Theo quy định, trong khoảng thời gian từ 27/4 đến 11/5, thí sinh sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, đồng thời đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Ghi nhận tại các trường Trung học Phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, các trường tổ chức hướng dẫn kỹ lưỡng cho học sinh thực hiện hồ sơ, tránh sai sót, đồng thời tư vấn cho các em chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân.
Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân cho biết, nhà trường đã tổ chức hướng dẫn học sinh thực hiện hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học rất kỹ lưỡng.
Các em cần xác định chính xác có sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học hay không để từ đó có quyết định đúng đắn trong việc chọn tổ hợp môn thi. Để tránh sai sót nhà trường cũng lưu ý học sinh nên ghi nháp trước khi điền thông tin trên phiếu đăng ký.
Điểm mới năm nay là các em có thể lựa chọn một trong hai phương thức đăng ký xét tuyển đại học trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, học sinh nên chọn phương thức đăng ký trực tiếp thầy, cô hỗ trợ rà soát dữ liệu thông tin như mã trường, mã ngành, tên ngành, tổ hợp xét tuyển...
Các em không nên ghi quá nhiều nguyện vọng, bình quân mỗi em chọn đăng ký khoảng 5 nguyện vọng là phù hợp.
Tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, thống kê của nhà trường có 352 học sinh đăng ký ban Khoa học tự nhiên, 206 đăng ký ban Khoa học xã hội. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đa phần các em chọn khối D (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển đại học, bởi đó là 3 môn thi bắt buộc và Tiếng Anh cũng là một lợi thế của học sinh nhà trường nói riêng, học sinh Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
[Bộ Giáo dục-Đào tạo lập hệ thống thông tin hỗ trợ thi, tuyển sinh 2021]
Nhà trường tư vấn cho các em không nên chọn quá nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học, chỉ chọn tối đa 10 nguyện vọng, để tránh phân tâm. Việc chọn nguyện vọng phải căn cứ vào lực học ở các môn nằm trong tổ hợp xét tuyển; nguyên tắc là chọn ngành học mình yêu thích trước, sau đó mới chọn trường có đào tạo ngành học đó.
Về công tác ôn tập cho học sinh khối 12, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết cũng như mọi năm, sau khi kết thúc học kỳ 2, từ đầu tháng 5 đến tháng 7 nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho các em theo ban đăng ký dự thi.
Dựa trên kết quả học tập cuối năm học, nhà trường cũng sẽ tổ chức học phụ đạo cho các em có điểm thấp. Về chương trình ôn tập, giáo viên các bộ môn sẽ xây dựng theo các chuyên đề, chủ đề, chủ điểm để các em củng cố kiến thức, đồng thời hướng dẫn các em giải các bài tập, bộ đề minh họa.
Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Giáo dục phổ thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển đại học cho hơn 450 học sinh lớp 12.
Trong ngày 27/4, các cán bộ của Trung tâm đến từng lớp hướng dẫn, hỗ trợ các em ghi hồ sơ. Sau khi học sinh hoàn tất hồ sơ, ở khâu tiếp nhận, cán bộ cũng kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin trước khi thu nhận.
Để lựa chọn được ngành học phù hợp, các chuyên gia cho rằng, các thí sinh cần căn cứ các yếu tố từ năng lực, đam mê của bản thân đến điều kiện tài chính. Bên cạnh đó, các em cũng cần quan tâm, tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành học, trường mà mình định hướng theo học, từ môi trường học, chương trình đào tạo đến cơ hội nghề nghiệp.
Nhu cầu của thị trường lao động là một căn cứ quan trọng để các em chọn ngành học. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia về dự báo nhu cầu nhân lực chia sẻ, từ phân tích bối cảnh xã hội cũng như tình hình phát triển kinh tế cho thấy, các nhóm ngành gắn liền với kinh tế số sẽ có nhu cầu nhân lực phát triển mạnh trong thời gian tới.
Cụ thể là các nhóm ngành Khoa học máy tính-Công nghệ thông tin-Kỹ thuật phần mềm-An toàn thông tin-Truyền thông đa phương tiện; Công nghệ cơ khí-Tự động hóa-Điện, điện tử-Dệt, may; Công nghệ thực phẩm-Công nghệ Sinh học-Hóa, Nông lâm-Thủy sản; Kiến trúc-Xây dựng-Khoa học môi trường-Khoa học vật liệu-Thiết kế mỹ thuật ứng dụng; Kinh tế thương mại-Quản trị kinh doanh-Marketing-Logistics; Du lịch-Lữ hành-Dịch vụ nhà hàng, khách sạn; Khoa học Xã hội-Luật-Quản trị nhân sự-Ngôn ngữ; Y dược-Chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; Sư phạm Kỹ thuật, Tâm lý, Giáo dục và Xã hội.
“Thị trường lao động trong thời gian tới tiếp tục phát triển theo hướng cần nhân lực có tay nghề, lao động qua đào tạo, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, xu hướng các ngành nghề phát triển vẫn dựa trên nền tảng truyền thống nhưng gắn liền với công nghệ và khoa học. Do đó, bên cạnh chọn ngành học phù hợp, quá trình học tập các em cần chú trọng trau dồi kiến thức, vững vàng chuyên môn, đặc biệt cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, tư duy năng động, sáng tạo để nhanh chóng thích ứng khi bước vào thị trường lao động,” ông Trần Anh Tuấn chia sẻ./.