Xuất hiện hàng loạt cơ sở làm đẹp trái phép: Sở Y tế TP.HCM lên tiếng

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các "dịch vụ làm đẹp" thành 3 nhóm khác nhau, trong đó có nhóm không thuộc sự quản lý của ngành y.
Xuất hiện hàng loạt cơ sở làm đẹp trái phép: Sở Y tế TP.HCM lên tiếng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 15/4, trước thông tin hàng loạt cơ sở làm đẹp trái phép ngang nhiên hoạt động, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành y tế.

Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các "dịch vụ làm đẹp" thành 3 nhóm khác nhau, trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế.

Cụ thể, nhóm 1 bao gồm các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Đây là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Nhóm 2 là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.

Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

[Một trường hợp tử vong sau hút mỡ bụng tại Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo]

Các cơ sở này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người… thuộc nhóm 3. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Hiện, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (nhóm 3) và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế (nhóm 2), và các cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1).

Sở Y tế đề nghị các phòng y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và thanh tra các sở khác có liên quan.

Bên cạnh đó, ngành y tế mong người dân tiếp tục cung cấp các thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép qua kênh thông tin "Y tế trực tuyến" để có cơ sở xử lý hoặc phối hợp xử lý theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục