Xuất khẩu da giày năm 2024 dự kiến đạt khoảng 26-27 tỷ USD

Để đạt mục tiêu, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn.

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2024 sẽ đạt khoảng 26-27 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu trên, trong năm 2024 này, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn, đặc biệt, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường có các FTA.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết các doanh nghiệp đang liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm. Với phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao.

Sắp tới, ngành giày dép không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo bà Xuân, đối với thị trường xuất khẩu, ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.

Các chuyên gia cho rằng các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành da giày Việt Nam, năm 2024 có khởi sắc. Đặc biệt, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, túi xách khác. Việt Nam là quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do, chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Đặc biệt, ở khu vực Tây Nam Bộ và miền Trung Việt Nam vẫn còn nhiều lao động, chi phí nhân công rẻ, diện tích đất trống lớn… Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành da giày của Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết một số tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững như chính sách về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng... có thể được các thị trường nhập khẩu giày dép lớn của Việt Nam áp dụng ngay trong năm này và một vài năm tới sẽ tác động tới xuất khẩu của ngành, bà Xuân cho rằng, việc tuân thủ là bắt buộc.

Đối với cơ chế định giá carbon (CBAM), bà Xuân cho hay giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn nên cũng nằm trong số đối tượng chịu tác động từ CBAM. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam khoảng 6 tỷ Euro mỗi năm, do đó việc chuẩn bị để thay đổi và ứng phó với quy định này là cần thiết.

Để làm được điều này, đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin, quy trình để đáp ứng và tuân thủ CBAM. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn nguồn lực lớn về con người và công nghệ, tài chính để tiến tới đáp ứng CBAM.

Vì vậy, doanh nghiệp không thể đơn lẻ khi ra biển lớn mà cần phải cùng tham gia vào hoạt động mạng lưới tốt hơn để nắm bắt thông tin, có kế hoạch chuẩn bị sâu hơn, tốt hơn, học hỏi và rút kinh nghiệm mới có thể thành công đáp ứng các quy định và tham gia chuỗi cung ứng.

ttxvn_da_giay_2.jpg
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, doanh nghiệp cần ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật thông tin, ra quyết định kịp thời. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng bộ phận tuân thủ. Bộ phận này cập nhật thông tin về các yêu cầu của khách hàng để chuyển về hệ thống sản xuất một cách chính xác.

Hơn nữa các doanh nghiệp da giày cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là yếu tố cơ bản giúp ngành đạt kim ngạch cao về xuất khẩu.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may-da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ ngành da giày phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang “thúc” các đơn vị liên quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành da giày giai đoạn 2021-2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục