Xuất khẩu đối mặt với khó khăn

Mục tiêu xuất khẩu năm nay đã được Quốc hội thông qua là phấn đấu tăng trưởng 13%, tương đương 72 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ngay trong tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 tỉ USD, chỉ bằng 75,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu xuất khẩu năm nay đã được Quốc hội thông qua là phấn đấu tăng trưởng 13%, tương đương 72 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ngay trong tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 tỉ USD, chỉ bằng 75,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, xuất khẩu suy giảm là hệ quả tất yếu khi kinh tế thế giới khó khăn, tổng cầu hàng hóa giảm dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với suy giảm kép: giảm cả về khối lượng lẫn giá cả.

Thị trường chủ lực bị thu hẹp

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2009 ước tính chỉ đạt 3,8 tỉ USD, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thông thường, hoạt động xuất khẩu tháng 1 và 2 của năm kém sôi động bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp trong nước nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 năm nay giảm chủ yếu là do sự giảm giá của nhiều mặt hàng chủ lực, cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam của một số thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản... giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong tháng 1/2009 đều giảm so với cùng kỳ năm 2008.

Tiến sỹ Võ Trí Thành phân tích sức tiêu dùng của một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đều được dự báo sẽ giảm. Bản thân các ngành sản xuất hàng tiêu dùng tại các thị trường này cũng bị ảnh hưởng. Kéo theo đó, khả năng hấp thụ hàng xuất khẩu của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, chắc chắn sẽ giảm sút.

Nhóm hàng công nghiệp như dệt may, da gầy, điện tử, đồ gỗ chế biến... giảm mạnh nhất do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đều giảm từ 30-40%.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vào quý đầu mọi năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt từ 650-700 triệu USD. Tuy nhiên, năm nay con số này giảm mạnh, ước đạt 200 triệu USD. Nguyên nhân theo ông Quyền là do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, trong khi đó các thị trường xuất khẩu chủ lực ngày càng thu hẹp và việc xúc tiến tìm kiếm thị trường mới không dễ dàng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng năm 2009 là năm có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp thủy sản; dự báo, kim ngạch xuất khẩu giảm 15-20%.

Nhóm nông nghiệp lại chịu tác động trái chiều. Xuất khẩu nhóm sản phẩm nông nghiệp là đầu vào cho sản xuất công nghiệp như cao su, gỗ… giảm do tiêu thụ giảm. Xuất khẩu thủy sản giảm do các nước tăng cường dùng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, xuất khẩu của một số mặt hàng thiết yếu như gạo thì lại vẫn tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu từ nhiều nước tăng.

Khó hoàn thành mục tiêu

Mặc dù đã liên tiếp "cài số lùi" kế hoạch nhưng nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2009 sẽ rất khó đạt mức 13%. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển phân tích: "Trong năm 2008, giá cả các loại hàng hóa tăng mạnh, trong khi những biến động kinh tế thế giới chưa tác động nhiều đến việc xuất nhập khẩu, song tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 64 tỷ USD. Hiện xuất khẩu của Việt Nam đang chịu tác động của suy giảm kép: giá giảm, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước bị thu hẹp nên đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 13% là rất khó”.

Các chuyên gia thương mại chỉ ra là rất nhiều nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực năm nay khó có thể đạt mức tăng trưởng mạnh. Nhóm hàng khoáng sản khó có khả năng tăng trưởng do sản lượng dầu thô và than đá xuất khẩu giảm mạnh để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước và giá xuất khẩu sẽ không ở mức cao như năm 2008. Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng vậy, khó có khả năng tăng trưởng cao trong năm 2009 do hạn chế cơ cấu sản lượng.

Đặc biệt, giá nhiều mặt hàng chủ lực sẽ ở mức thấp so với năm 2008. Dự báo, kim ngạch nhóm này đạt khoảng 12,23 tỷ USD, giảm 628 triệu USD so với năm 2008.

Do kim ngạch 2 nhóm hàng nông lâm thủy sản và khoáng sản dự kiến sẽ giảm khoảng 6,6 tỷ USD nên xuất khẩu năm 2009 được kỳ vọng nhiều vào nhóm hàng công nghiệp chế biến, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo dự kiến của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng xuất khẩu của dệt may phải ở mức 11,5 tỷ USD, giầy dép 5,1 tỷ USD, hàng điện tử và linh kiện máy tính 4,1 tỷ USD, sản phẩm gỗ 3 tỷ USD... Tuy nhiên, bài toán khó cho tăng trưởng xuất khẩu là trước tình thế rất khó khăn thì rất nhiều ngành hàng lại nhận chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn mức mà Bộ Công thương đề ra.

“Năm 2009, mục tiêu của ngành dệt may chủ yếu là ổn định công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động chứ không thể nói trước sẽ tăng trưởng bao nhiêu. Toàn ngành sẽ phấn đấu giữ vững, cố gắng đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008, chứ không thể tăng trưởng 13% như Bộ Công thương đề ra”, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vitas tính toán.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản Việt Nam dự báo năm 2009, khoảng 20% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản rơi vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, 30% doanh nghiệp ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn.

Đại diện VASEP cũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2009 chỉ hy vọng đạt khoảng 4,5 tỷ USD, thấp hơn so với mức 5,3 tỷ USD của Bộ Công Thương giao./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục