Bài 2: Tận dụng cơ hội thị trường, chú trọng an ninh lương thực

Xuất khẩu gạo: Tín hiệu vui và bài toán đảm bảo an ninh lương thực

Trước diễn biến thuận lợi về thị trường và giá, gạo của VN đang thu được kết quả tích cực cả về kim ngạch và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán về đảm bảo an ninh lương thực.
Xuất khẩu gạo: Tín hiệu vui và bài toán đảm bảo an ninh lương thực ảnh 1Sản xuất lúa gạo hiện nay đảm bảo cả nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và an ninh lương thực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 2: Tận dụng cơ hội thị trường, chú trọng an ninh lương thực

Việc nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đang là tín hiệu vui cho ngành lúa gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường thuận lợi, việc ký kết các hợp đồng cần đánh giá đúng năng lực sản xuất trong nước, tính toán được biến động của giá cả, qua đó vừa đảm bảo nâng cao giá trị, nguồn hàng xuất khẩu, vừa đảm bảo an ninh lương thực và gối đầu cho đầu năm tới.

Chú ý tính thời vụ, có cơ chế phù hợp

Hiện nay, giá gạo thế giới đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua. Dự báo, giá gạo còn có thể tăng cao nữa sau lệnh cấm ngay lập tức của Ấn Độ do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng muốn tận dụng được các cơ hội về thị trường thì các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã bỏ ra 6.000 tỷ đồng thu mua lúa nhằm mục đích xuất khẩu. Doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu mua thêm nhưng không còn đủ vốn. Trong khi đó, lãi suất hiện nay khá cao, riêng tiền lãi suất mà doanh nghiệp phải trả trong năm nay đã là 300 tỷ đồng. Một trong những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn thu mua lúa xuất khẩu hiện nay là quy định bắt buộc phải có tài sản thế chấp, điều này khó cho cả doanh nghiệp và người dân.

“Thêm một vấn đề về vốn cần quan tâm là ngoài dòng vốn cho thu mua lúa gạo xuất khẩu, doanh nghiệp cũng cần tiền để đầu tư cho chế biến sâu. Trên thực tế, 1 tấn gạo của Lộc Trời xuất khẩu sang châu Âu có giá 700-800 USD, nhưng khi họ chế biến sâu bán lẻ thì lên tới 4 USD/kg, tương đương 4.000 USD/tấn. Đây cũng chính là một trong những hạn chế của Việt Nam khi chưa chú trọng đầu tư chế biến sâu, tạo ra giá trị phát triển bền vững,” ông Thuận chia sẻ.

[Ấn Độ cấm xuất gạo, Bộ Công Thương lưu ý đảm bảo an ninh lương thực]

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long, cũng cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo thì có hai loại vốn cần quan tâm, đó là vốn ngắn hạn nhằm thu mua lúa gạo để xuất khẩu và vốn trung, dài hạn để đầu tư sản xuất.

“Đối với dòng vốn thu mua, lãi suất cao đang là rào cản và các ngân hàng cần có chính sách kịp thời cho doanh nghiệp lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ ‘rón rén’ trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn và sớm hơn,” ông Bá nói.

Mặt khác, cũng theo ông Bá, để đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo một cách bền vững thì vốn ngắn hạn chỉ là phần ngọn. Để quy hoạch phát triển, Nhà nước cần có chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lúa gạo trung, dài hạn. Theo đó, nguồn vốn này sẽ để dành cho việc đầu tư từ gốc như giống, vật tư nông nghiệp đến thu hoạch chế biến, vận chuyển…

Xuất khẩu gạo: Tín hiệu vui và bài toán đảm bảo an ninh lương thực ảnh 2Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hợp tác với nông dân, hợp tác xã để xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo đầu ra chất lượng ổn định.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời điểm hiện nay, Việt Nam đang sản xuất gạo rất tốt, về cơ bản sẽ có được nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Hơn nữa, việc các nước đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines cũng sẽ giúp Việt Nam có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý các thương nhân phải sẵn sàng những giải pháp và công cụ dự phòng để đảm bảo phòng ngừa rủi ro; trong đó có thể có rủi ro về giá hay các vấn đề có thể xảy ra trong khâu thực hiện hợp đồng.

“Khi chúng ta thực hiện hợp đồng với số lượng lớn và trong một thời gian ngắn thì có thể có những vấn đề trục trặc ví dụ như giao hàng. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo để thực hiện, một mặt vừa đẩy mạnh xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu những rủi ro phát sinh,” ông Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng để tranh thủ được thời cơ này, các doanh nghiệp phải thuân thủ theo Nghị định 107/NĐ-CP của Chính phủ, đánh giá nguồn cung và nhu cầu thị trường để ký hợp đồng mới.

“Về lâu dài, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hợp tác với nông dân, hợp tác xã để xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo đầu ra chất lượng ổn định số lượng, giá cả, tránh hiện tượng tư tưởng buôn chuyến," ông Nguyễn Như Cường lưu ý.

Đảm bảo đủ nhu cầu trong nước và “gối đầu”

Về ý kiến lo ngại nhu cầu lớn, giá gạo cao đẩy mạnh xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực trong nước, ông Nguyễn Như Cường cho biết hiện tại sản xuất lúa gạo vẫn đang diễn ra bình thường, các nhu cầu phục vụ an ninh lương thực và tiêu dùng nội địa vẫn đảm bảo.

Đến tháng 5/2023, cả nước đã thu hoạch được hơn 17 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, cả nước dự kiến thu hoạch khoảng 43 triệu tấn lúa, đảm bảo nhu cầu lương thực, chăn nuôi, chế biến, dự trữ và xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo: Tín hiệu vui và bài toán đảm bảo an ninh lương thực ảnh 3Bày bán sản phẩm gạo chất lượng cao của Việt Nam tại nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhờ vậy, nguồn cung lúa gạo đảm bảo ổn định, lượng gạo xuất khẩu vẫn trong kế hoạch. Ông Cường khẳng định sẽ không có hiện tượng khan hiếm nguồn cung, việc đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu cầu tiêu dùng nội địa là ưu tiên số 1 của Đảng, Chính phủ.

Mặt khác, theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng không nên hạn chế xuất khẩu gạo vì Việt Nam vẫn duy trì nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo, trong đó nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa cho các nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng lưu ý hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước thông báo mở thầu gạo dự trữ nên nhu cầu gạo càng cao. Do đó, bên cạnh đảm bảo thành tích xuất khẩu cuối năm cũng cần tính đến hàng “gối đầu” cho năm 2024.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã có nhiều văn bản gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp trong việc tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu hiệp hội và các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả. Các doanh nghiệp trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cung ứng, lưu thông thóc, gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để có giải pháp ứng phó kịp thời./.

Bài 1: Đơn hàng tăng, doanh nghiệp bội thu khi gạo được giá

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục