Hồ tiêu được giá nhưng đối mặt thách thức vỡ quy hoạch

Xuất khẩu hồ tiêu năm 2015 - giảm sản lượng, tăng giá trị

Trong 11 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 124.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị gần 1,2 tỷ USD, giảm 17% về khối lượng nhưng tăng 2,8% về giá trị so với năm 2014.
Xuất khẩu hồ tiêu năm 2015 - giảm sản lượng, tăng giá trị ảnh 1Nông dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị phơi khô hạt tiêu vừa thu hái. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 124.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị gần 1,2 tỷ USD, giảm 17% về khối lượng nhưng tăng 2,8% về giá trị so với năm 2014.

Năm 2015 tiếp tục là năm hồ tiêu Việt Nam được giá, giá xuất khẩu bình quân tính trong 11 tháng là 9.528 USD/tấn, tăng hơn 20% so với năm trước.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu do Cục Chế biến Nông, lâm, thủy sản và Nghề muối phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/12

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cho rằng năm nay sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể so với năm 2014, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2015 đã xấp xỉ ngang với cả năm 2014.

Nếu trong năm 2014, xuất khẩu hồ tiêu đạt 156.000 tấn với 1,21 tỷ USD thì dự báo năm 2015, cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 130.000 tấn, với kim ngạch 1,24 tỷ USD.

Điều này chứng tỏ vai trò điều tiết thị trường của hồ tiêu Việt Nam cũng đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình thế giới.

Tuy năm nay có sự biến động về sản lượng xuất khẩu, nhưng do điều tiết phù hợp với cung-cầu thị trường nên hồ tiêu Việt Nam có giá thuận lợi.

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam liên tục đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu toàn cầu.

Trong những năm gần đây, do hồ tiêu xuất khẩu được giá cao nên xuất hiện hiện tượng người dân chặt bỏ một số loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu, dẫn đến tình trạng vỡ quy hoạch trong sản xuất hồ tiêu ở nhiều địa phương.

Diện tích trồng hồ tiêu tăng từng năm, năm 2014 diện tích hồ tiêu tăng 17.000ha so với năm 2014 đạt hơn 85.000ha. Năm 2015 mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dự báo diện tích hồ tiêu cả nước đã vượt con số 100.000 ha.

Mặc dù diện tích tăng như trên, nhưng sản lượng xuất khẩu vẫn giảm so với năm 2014. Lý giải nguyên nhân này, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, phần diện tích tăng chưa tới thời điểm thu hoạch. Bên cạnh đó, năng suất hồ tiêu của một số vùng đang giảm mạnh do ảnh hưởng của hiện tượng El-nino.

Mặt khác, thị trường hồ tiêu đang chịu sự chi phối khá lớn của người sản xuất, nhiều người dân khi thấy giá tiêu xuống đã trữ hàng, hạn chế bán ra nên lượng tồn kho vẫn còn nhiều, dẫn đến lượng xuất khẩu trong năm 2015 không cao.

Ngoài tình trạng sản xuất vỡ quy hoạch, ngành hồ tiêu cũng đang phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn của các thị trường thế giới về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đáng chú ý, đã có một số lô hàng hồ tiêu Việt Nam bị một số thị trường cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Điều này đòi hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chiến lược phát triển ngành hồ tiêu một cách tổng thể, theo quy hoạch diện tích từng địa phường, từng vùng và có chính sách hỗ trợ, biện pháp đẩy mạnh phát triển vườn tiêu theo các quy chuẩn về thực hành sản xuất tốt đã được công nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục