Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong quý 3/2020 đã khởi sắc hơn so với quý 1 và quý 2 năm nay.
Cụ thể, dù mặt hàng thép xây dựng sản xuất đạt hơn 2,4 triệu tấn (giảm lần lượt 2% và 5% so với quý 1 và 2) nhưng bán hàng thép xây dựng đạt hơn 2,7 triệu tấn (tăng lần lượt 19% và 6%), xuất khẩu hơn 400.000 tấn (tăng lần lượt 4% và 37% so với quý 1 và 2.
Các mặt hàng khác như thép cán nóng, cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép cũng đều có mức tăng trưởng tốt, cả về bán hàng và xuất khẩu so với thời gian đầu năm. Đặc biệt, thép cuộn cán nóng xuất khẩu đạt hơn 270.000 tấn, tăng trưởng hơn 330%.
Một điểm sáng nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thép là nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 8/2020 đạt 1,19 triệu tấn với kim ngạch 547 triệu USD, giảm 15,93% về lượng và tăng 3,46% về giá trị so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước đã giảm lần lượt 6,75% và giảm 15,5%.
Tính trong 8 tháng năm 2020, nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 9,35 triệu tấn với trị giá trên 5,43 tỷ USD, giảm lần lượt 3% về lượng và 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
[Thị trường tiêu thụ thép xây dựng dự báo khởi sắc về cuối năm]
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xuất khẩu ngành thép trong tháng 8/2020 đạt hơn 1,16 triệu tấn, với trị giá gần 577 triệu USD, tăng 31% về lượng và 29% về trị giá so với tháng trước đó; so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng xuất khẩu tăng 140%, nhưng về trị giá giảm 23%.
Trong 8 tháng năm 2020, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam có Trung Quốc đạt hơn 2 triệu tấn, tương đương trị giá 844 triệu USD, tăng đột biến cả về lượng và trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ 2019; khối ASEAN vẫn là thị trường lớn của thép VIệt Nam, đạt 2,67 triệu tấn, tương đương 1,44 tỷ USD.
Hiệp hội Thép cho hay, xuất khẩu thép của Việt Nam sang Trung Quốc tăng cao so với các năm, chủ yếu là thép thô. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng, chứ không phải xu hướng lâu dài do thị trường thép Trung Quốc có sự khôi phục sản xuất nhanh hơn thị trường thép khác trên toàn cầu.
Điều này được các chuyên gia lý giải do quốc gia này kiểm soát được dịch bệnh nhanh và sớm từ cuối quý 1/2020, cùng với các chính sách kích cầu kinh tế.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, thời gian qua, sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu trong 9 tháng của năm 2020 đều giảm do tác động của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, dự kiến từ nay đến cuối năm, thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn, do trong ngắn hạn, thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh COVID-19.
Việc kiểm soát dịch bệnh đã khiến tiêu thụ ngành thép được khôi phục hơn so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, so với năm trước, tiêu thụ thép thành phẩm các loại giảm nhẹ.
Tính trong 9 tháng năm 2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 18,5 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ 2019; bán hàng thép các loại đạt hơn 16,5 triệu tấn, giảm 4,3%. Đặc biệt xuất khẩu thép các loại đạt hơn 3,2 triệu tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần hay phát triển thêm thị phần, cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng. Do giá nguyên liệu tăng và cạnh tranh về giá bán nội địa nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Trong tháng 9/2020 giá phôi thép nhập khẩu có xu hướng tăng khoảng 20-25 USD/tấn so với tháng 8/2020, hiện ở mức 445 USD/tấn. Giá phôi nội địa tăng từ 300 đến 500 đồng/kg, giữ mức 10.200-10.500 đồng/kg.
Trong nước, giá thép phế nội địa tăng từ 400 đến 500 đồng/kg, giữ mức 6.700-7.000 đồng/kg; giá thép phế nhập khẩu tăng 7 USD/tấn giữa tháng 9 nhưng đã giảm về cuối tháng 9, giữ ở mức 305 USD/tấn.
Giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng nhẹ vào đầu tháng 9 và có xu hướng đi ngang đến cuối tháng. Hiện giá bán thép trong nước ở mức 11.050 – 11.150 đồng/kg tùy từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp./.