Năm 2015 được nhận định là một năm ghi dấu quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn cầu với những dự báo về việc kết thúc đàm phán và triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại (Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam- Liên minh châu Âu, Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga- Belarus-Kazakhstan, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương-TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015-AEC).
Theo đó, ngành chứng khoán trong nước cũng có những chuyển động mạnh mẽ trong các hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận gần hơn với môi trường kinh doanh quốc tế.
Nhân dịp chào Xuân Ất Mùi, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cùng ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) để làm rõ hơn những vấn đề này.
- Năm 2015, ngành chứng khoán Việt Nam đặt kế hoạch nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, vậy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải triển khai những công việc gì trong lĩnh vực hợp tác quốc tế để có thể hiện thực hóa kế hoạch trên?
Ông Vũ Chí Dũng: Phát huy các thành tích đã đạt được trong năm qua, Ủy ban Chứng khóa Nhà nước sẽ nỗ lực triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2015 đã đặt ra, trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng chương trình, giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên bảng phân hạng MSCI (từ hạng thị trường cận biên-frontier market lên hạng thị trường mới nổi-emerging market).
Tôi phải nhấn mạnh, việc Ủy ban Chứng khoán xúc tiến thực hiện các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm khẳng định nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện và phát triển thị trường, thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ Việt Nam.
Trong đó, hoạt động hội nhập chính là tố thành góp phần đắc lực vào tiến trình này. Với mục tiêu này trong năm 2015, Ủy ban chứng khoán sẽ tiếp tục việc ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) với cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán châu Âu (ESMA).
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết MoU với đại diện của 25/31 thị trường vốn thuộc EU và EEA và là những nước có thị trường vốn rất phát triển.
Trong ngành tài chính, thị trường chứng khoán châu Âu có truyền thống lâu đời nhất cũng là một trong những nhóm thị trường phát triển nhất thế giới, do đó thị trường này luôn là hướng vươn ra trọng điểm của các thị trường chứng khoán mới nổi.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tích cực hơn trong việc tham gia và triển khai các nội dung chương trình của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) với vai trò là thành viên ở cấp độ cao nhất, tiếp tục áp dụng các nguyên tắc của IOSCO dành cho cơ quan quản lý thị trường với tính chất là các thông lệ về quản lý.
Ngoài ra, Ủy Ban Chứng khoán cũng sẽ tìm hiểu thêm kinh nghiệm quốc tế, xây dựng chương trình đào tạo về thị trường chứng khoán phái sinh, nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro nhằm khuyến khích các công ty niêm yết xây dựng báo cáo phát triển bền vững, rà soát các quy định pháp lý nhằm đưa ra lộ trình hướng tới áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững thành tiêu chí bắt buộc đối với các công ty niêm yết.
- Thưa ông, với tư cách là thành viên đầy đủ ở cấp độ cao nhất của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO), ngành chứng khoán Việt Nam sẽ có những lợi thế ra sao?
Ông Vũ Chí Dũng: Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn khẳng định sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo trật tự cũng như tính minh bạch theo yêu cầu của thị trường vốn.
Theo đó, bước tiến hội nhập trong khuôn khổ thành viên của IOSCO là điều kiện quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập sâu rộng, hiệu quả hơn, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý thị trường vốn của Chương trình kết nối ASEAN với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới.
Nhìn lại thị trường, thời gian trước do số lượng các tổ chức kinh doanh và cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán tăng quá nhanh, nhưng lại không song hành với năng lực về vốn, công nghệ, trình độ chuyên môn, trình độ quản trị và điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro rất hạn chế.
Tuy nhiên sau hai năm (2013-2014), công tác tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ đã được thực hiện sát sao, hiện trên thị trường chỉ còn 43 công ty quản lý quỹ hoạt động và quản lý hơn 200 hợp đồng, với tổng giá trị ủy thác đạt trên 100 nghìn tỷ đồng.
Công tác tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư đã có kết quả rõ rệt, thế hệ các quỹ đóng đang dần được thay thế bằng hệ thống các quỹ mở (hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn). Bên cạnh đó, các quỹ thành viên đang dần được chuyển sang hệ thống các quỹ đại chúng với những hoạt động minh bạch hơn.
Thêm vào đó, quá trình hội nhập cũng thúc đẩy các công ty quản lý quỹ của Việt Nam hoạt động ổn định và hiệu quả hơn, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện huy động vốn từ thị trường nước ngoài, qua đó nâng cao năng lực cũng như tiềm năng tài chính của ngành quỹ, một trong những tiền đề đưa thị trường chứng khoán trở thành một kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
- Bên cạnh Biên bản Ghi nhớ Đa phương (MMoU) với IOSCO, gần đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU và EEA (Khu vực Kinh tế châu Âu), điều này có tính chất ràng buộc như thế nào?
Ông Vũ Chí Dũng: Đó là Biên bản ghi nhớ về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin trong việc giám sát các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU và EEA.
Việc ký kết MoU này sẽ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với các thị trường chứng khoán, tài chính khác trên thế giới.
Theo các điều khoản tại dự thảo MoU, các công ty quản lý quỹ ở châu Âu muốn huy động vốn tại Việt Nam và đầu tư tại châu Âu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả về quản lý ngoại hối.
Việc ký kết này sẽ góp phần gia tăng khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư có tổ chức từ các nước châu Âu, đồng thời tăng cường khả năng phối hợp quản lý giám sát dòng vốn và nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, Biên bản ghi nhớ với các nước thuộc EU không mang tính ràng buộc pháp lý cũng như không trao quyền hoặc thay thế luật trong nước. Cần phải hiểu rõ, MoU chỉ mang tính khuyến khích trao đổi thông tin một cách tốt nhất. Việc hợp tác giữa các bên chỉ giới hạn trong phạm vi của MoU và bảo đảm tuân theo các quy định của pháp luật trong nước, không làm tổn hại đến quyền lợi quốc gia.
Song, ngành quản lý quỹ cũng cần phải chú ý đến những điều khoản về hợp tác về cưỡng chế thực thi, như tạm dừng hoạt động, phong toả hoặc tịch thu tạm thời tài sản, tạm thời cấm một số hoạt động… tùy theo điều kiện của pháp luật.
Tôi cho rằng, những nỗ lực kết nối, hợp tác quốc tế sẽ tạo nên vận hội lớn cho các công ty quản lý quỹ của Việt Nam cũng như ngành chứng khoán Việt Nam nói chung, trên đường hội nhập và lớn mạnh trong năm mới Ất Mùi./.
Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã ký kết MoU với đại diện của 25/31 thị trường vốn thuộc EU và EEA, bao gồm Vương quốc Anh, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Rumani, Síp, Phần Lan, Hy Lạp, Lichtenxtanh, Bungari, Ba Lan, Ailen, Aixơlen, Na Uy, Luxembourg, Litva, Malta, Latvia, Extonia, Pháp, Bỉ, Hunggari.