Ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để nhấn mạnh chính sách ủng hộ của Washington dành cho Nhà nước Do Thái, cũng như sự cần thiết của các hoạt động viện trợ nhân đạo dành cho dân thường Palestine.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Abbas kể từ khi Phong trào Hamas tấn công Israel hồi tuần trước, ông Biden khẳng định lập trường hoàn toàn ủng hộ “viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Palestine, đặc biệt là ở Gaza.”
Thông cáo cho hay trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã nêu cụ thể những nỗ lực của Mỹ nhằm phối hợp với các đối tác để ngăn xung đột lan rộng. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cần thiết phải duy trì ổn định ở Bờ Tây và toàn khu vực.
[Xung đột Hamas-Israel: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Israel điện đàm]
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Biden đã nêu bật chính sách ủng hộ dành cho Israel.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cập nhật cho nhà lãnh đạo Israel những thông tin về hoạt động hỗ trợ quân sự dành cho quốc gia Do Thái, đồng thời nhắc lại cảnh báo đối với mọi nỗ lực mở rộng xung đột.
Ông Biden khẳng định Mỹ đang phối hợp với Liên hợp quốc và các nước Trung Đông để đảm bảo dân thường có thể tiếp cận nước, thực phẩm và chăm sóc y tế.
Trong khi đó, văn phòng của ông Abbas cho biết nhà lãnh đạo của Chính quyền Palestine đã nhấn mạnh lập trường phản đối việc buộc người dân Palestine phải di tản khỏi Gaza, trong bối cảnh Israel tiến hành đáp trả các cuộc tấn công của Hamas.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã phản đối việc Israel phong tỏa Dải Gaza, nhấn mạnh việc cắt nguồn cung cấp nước và điện, tước quyền tiếp cận bệnh viện của người dân và trẻ em không nên là mục tiêu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Bỉ cũng kêu gọi Phong trào Hồi giáo Hamas trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, đồng thời cho rằng hành động này phải được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo ông, giải pháp duy nhất để ngăn chặn bạo lực và xung đột leo thang hơn nữa là Hamas ngừng mọi cuộc tấn công và trả tự do cho những người bị bắt giữ.
Theo Bộ Y tế Palestine, xung đột Hamas-Israel đã khiến thương vong bên phía Palestine tăng lên 2.215 người thiệt mạng và 8.714 người bị thương.
Thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza cho thấy chỉ riêng trong ngày 14/10, đã có 300 người Palestine thiệt mạng, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em và 800 người bị thương do xung đột.
Trong khi đó, truyền thông Israel dẫn các nguồn tin chính thức nêu rõ kể từ khi xung đột bùng phát, nước này đã ghi nhận hơn 1.300 người thiệt mạng và gần 3.400 người bị thương.
Liên quan đến căng thẳng với lực lượng Hezbollah ở Liban, Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel, Tzachi Hanegbi nhận định tình hình hiện đã lắng dịu, đồng thời cảnh báo lực lượng này không nên hành động dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với Liban.
Israel đang tập trung vào cuộc xung đột với Hamas và đang cố gắng không để bị rơi vào tình trạng đối đầu cùng lúc 2 mặt trận.
Cùng chung quan điểm, Pháp đã kêu gọi lực lượng Hezbollah đứng ngoài cuộc xung đột Hamas-Israel, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình tại biên giới Liban-Israel.
Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ lực lượng Hezbollah ở Liban phải kiềm chế để tránh dẫn đến mặt trận thứ hai trong khu vực./.