Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Nga, EU kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ra tuyên bố nhấn mạnh cần chấm dứt ngay lập tức giao tranh tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh.
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Nga, EU kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ảnh 1Binh sỹ Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước những tình hình chiến sự leo thang tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh mà Armenia và Azaerbaijan đang tranh chấp, gây nhiều thương vong, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức.

Ngày 28/9, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ra tuyên bố nhấn mạnh cần chấm dứt ngay lập tức giao tranh tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh.

Ông Peskov nêu rõ: "Chúng tôi theo dõi rất sát tình hình và cho rằng giao tranh cần chấm dứt ngay lập tức, tiến trình giải quyết xung đột cần chuyển sang bình diện chính trị ngoại giao."

Quan chức Nga cũng nêu rõ với tư cách đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đóng vai trò trung gian giải quyết xung đột, Nga giữ lập trường cân bằng và sẵn sàng phát huy tầm ảnh hưởng của mình cùng mối quan hệ hữu nghị với cả hai nước Azerbaijan và Armenia để thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột. Ông Peskov nêu rõ giao tranh tại Nagorny-Karabakh khiến Nga và nhiều nước khác hết sức quan ngại.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã liên lạc với người đồng cấp Azerbaijan và Armenia, và sau đó hai tổng thống Nga và Armenia đã có cuộc điện đàm trao đổi về tình hình. Nếu cần thiết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ liên lạc với người đồng cấp Azerbaijan.

[Đụng độ với Armenia, Azerbaijan động viên một phần lực lượng dự bị]

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo căng thẳng tại Nagorny-Karabakh có nguy cơ leo thang và gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của khu vực. EU kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt hành động thù địch, giảm căng thẳng và các cường quốc trong khu vực không nên can thiệp.

Người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU, ông Peter Stano nói rằng Brussels không thể xác định được những thông tin về các lực lượng bên ngoài tham gia vào cuộc xung đột nói trên, nhưng "bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc xung đột này đều không được chấp nhận."

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Armenia cần rút "lính đánh thuê và khủng bố" mà nước này đem từ nước ngoài đến vùng Nagorny-Karabakh.

Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát ngày 27/9 liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh tiếp tục bước sang ngày thứ hai, trong đó hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng.

Giới chức tại khu vực này cho biết quân đội Azerbaijan đã tiêu diệt 28 tay súng, nâng tổng số người thiệt mạng trong hai ngày xung đột lên 69 người, trong đó có chín dân thường.

Nagorny-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục