Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức tới Vương quốc Anh đúng thời điểm cộng đồng 1,5 triệu người dân gốc Ấn Độ tại Anh đang tưng bừng chào đón lễ hội Ánh sáng Diwali - lễ hội lớn nhất trong năm của người Hindu.
Là Thủ tướng Ấn Độ đương nhiệm đầu tiên tới Anh trong vòng gần một thập kỷ qua, ông Modi được đón tiếp với nghi lễ trọng thị khác thường, báo hiệu mùa xuân mới trong mối quan hệ lâu năm khá nhiều thăng trầm giữa Anh và Ấn Độ.
Bất chấp những biến động của tình hình khu vực và quốc tế, Ấn Độ vẫn là quốc gia mà Anh muốn kết thân lâu dài.
Thủ tướng Anh David Cameron từng chọn Ấn Độ cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình sau khi trở thành chủ nhân ngôi nhà Số 10 phố Downing vào năm 2010 và từ đó đến nay ông đã 3 lần tới thăm Ấn Độ.
Trong chuyến thăm lần đầu tiên, ông Cameron đã mang tới New Delhi một phái đoàn thương mại được xem là "hùng hậu nhất". Giới chức Anh kỳ vọng rằng nước này có thể khai thác các mối quan hệ lịch sử và ngôn ngữ với Ấn Độ để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, cho đến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Ấn Độ mới chỉ đạt 2,2 tỷ bảng, thấp hơn cả xuất khẩu của Anh sang những nước như Bỉ, Hà Lan hay Thụy Sĩ.
Cũng tính từ năm 2010, mặc dù xuất khẩu của Anh tới 3 thị trường đang nổi lớn nhất gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga tăng 8,6 tỷ bảng, nhưng Ấn Độ chỉ chiếm 1,4 tỷ bảng trong số đó.
Doanh nghiệp Anh kinh doanh tại Ấn Độ phàn nàn rằng họ bị phân biệt đối xử về biểu thuế. Số sinh viên Ấn Độ theo học tại Anh đã giảm một nửa trong 4 năm qua bởi chính sách của London hạn chế sinh viên nước ngoài ở lại sau khi tốt nghiệp.
Chính Thủ tướng Cameron trong buổi đón tiếp người đồng cấp Ấn Độ tại London cũng phải thừa nhận rằng mối quan hệ của Anh với Ấn Độ đã bị "giam cầm bởi quá khứ" quá lâu và không thể hiện đúng tiềm năng thực sự của hai bên.
Tuy nhiên, ông quả quyết rằng điều này sẽ thay đổi. London hiện là nhà đầu tư lớn nhất của New Delhi trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20) với tổng số vốn đầu tư vào Ấn Độ kể từ năm 2000 đạt 22,2 tỷ USD, trong khi giá trị đầu tư của Ấn Độ vào Anh nhiều hơn tổng số vốn đầu tư của nước này tại 27 nước còn lại của Liên minh châu Âu (EU).
Theo Thủ tướng Cameron, mối quan hệ hai chiều này đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân, tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an ninh hơn cho kinh tế hai nước. Vì lẽ đó, cả ông và Thủ tướng Modi sẽ cùng nắm bắt cơ hội từ chuyến thăm lịch sử này.
Bằng việc chú trọng xây dựng quan hệ "đối tác hiện đại" giữa hai nước, London hy vọng chuyến thăm Anh lần đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại song phương, mở ra cơ hội cho các công ty Anh khai thác kinh doanh tại Ấn Độ trong những lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ, y tế hay dịch vụ tài chính, cũng như tiếp cận sâu hơn vào thị trường với 1,3 tỷ dân này.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ cũng bày tỏ hy vọng sau chuyến thăm, quan hệ hai nước sẽ trở thành một trong những mối quan hệ đối tác quan trọng của thế giới.
Rõ ràng, việc Anh dành nghi lễ đón tiếp trọng thị cho Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng như việc trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây chưa đầy một tháng đã cho thấy chính phủ bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đang tích cực theo đuổi chiến lược "hướng Đông" nhằm tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ "Made in UK."
Với các thỏa thuận trị giá gần 10 tỷ bảng (khoảng 14 tỷ USD) được ký kết giữa hai bên trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi, ông Cameron tin tưởng đây sẽ là bước khởi đầu cho một sự đột phá mới về thương mại giữa hai quốc gia vốn có nhiều gắn bó về lịch sử, con người và các giá trị chung./.