Ý đồ đằng sau vụ tấn công trụ sở báo trào phúng Charlie Hebdo

Vụ tấn công vào trụ sở báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp tại Paris ngày 7/1 có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ giữa chính phủ các nước châu Âu với cộng đồng Hồi giáo trong nước.
Ý đồ đằng sau vụ tấn công trụ sở báo trào phúng Charlie Hebdo ảnh 1Những kẻ khủng bố tấn công tòa báo Charlie Hebdo. (Nguồn: AP)

Theo mạng tin Stratfor, vụ tấn công vào trụ sở báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp tại Paris ngày 7/1 có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ giữa chính phủ các nước châu Âu với cộng đồng Hồi giáo trong nước.

Ý đồ đằng sau các vụ tấn công này của lực lượng Hồi giáo cực đoan là nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ, gây ảnh hưởng tới các chính sách của Pháp và tuyển mộ thêm nhiều thành viên mới. Cho dù chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo về bản chất là cuộc xung đột giữa các phe phái với nhau, nhưng các sự kiện như vụ tấn công ở Paris sẽ lôi kéo cả người dân không theo đạo Hồi, làm vấn đề càng trầm trọng hơn.

Ba kẻ bị tình nghi Hồi giáo cực đoan đã tấn công trụ sở trên bằng loại súng trường có sức công phá mạnh khiến 12 người thiệt mạng. Trong số đó có Stephane Charbonnier - Tổng biên tập tạp chí Charlie Hebdo, người nằm trong danh sách các mục tiêu hàng đầu của mạng lưới al-Qaeda. Nhân chứng tại hiện trường đã nghe thấy kẻ tấn công hét lên "Chúng ta đã báo thù cho Nhà tiên tri Mohammed."

Đây là cuộc tấn công thứ ba kiểu như thế này ở một quốc gia phương Tây trong chưa đầy 3 tháng. Thủ phạm vụ tấn công đã thể hiện kỹ năng sử dụng vũ khí hạng nhẹ thuần thục, cho thấy chúng đã được huấn luyện kỹ càng.

Dù cuộc tấn công đó xuất phát từ các đối tượng Hồi giáo cực đoan tự tiến hành hoặc theo chỉ đạo của một tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế, nhưng sự việc như vậy sẽ ngày càng làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Điều này đặc biệt đáng lo ngại ở châu Âu khi các quốc gia ở châu lục này đang chứng kiến sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan và các cộng đồng Hồi giáo từ lâu đã phải chịu sự không thân thiện.

Ý đồ của lực lượng Hồi giáo cực đoan là muốn chính phủ các nước đàn áp mạnh hơn các cộng đồng Hồi giáo để củng cố cho những cáo buộc của chúng rằng phương Tây đang gây chiến với đạo Hồi và người Hồi giáo.

Mặc dù chính phủ các nước phương Tây tìm mọi biện pháp để trấn an rằng không có sự xung đột giữa các nền văn minh nào như vậy, nhưng các lực lượng cực hữu lại có nhưng lời lẽ khiêu khích, làm tăng thêm mối lo ngại của cộng đồng người Hồi giáo ôn hòa. Điều quan trọng hơn là đã có sự xung đột từ lâu về giá trị, đặc biệt là quyền tự do bày tỏ, được phương Tây cổ vũ nhưng lại bị nhiều người Hồi giáo xem là bằng chứng của sự báng bổ. Mặc dù phần lớn người Hồi giáo không có các hành động bạo lực đáp lại những tuyên bố được coi là báng bổ này, nhưng lại cũng có không ít những kẻ cực đoan sử dụng bạo lực.

Ở Pakistan, bộ luật về báng bổ là chủ đề tranh cãi gay gắt trong xã hội nước này. Nhiều người dân Pakistan đã bị ám sát bởi chính công dân đất nước họ vì có các phát ngôn, thái độ bị xem là sự báng bổ đối với Nhà tiên tri.

Cuối cùng, đây cũng là một cuộc chiến trong nội bộ người Hồi giáo để tranh giành quyền lực và kiểm soát, được gói gọn trong cuộc tranh luận về điều gì có ý nghĩa với một người Hồi giáo trong thế giới ngày nay và giới hạn nào biện minh cho hành động đó. Xác định được các nhân tố đó là công cụ có thể được sử dụng để giành lấy quyền lực, tấn công chống lại phương Tây và lợi ích liên quan; buộc người phương Tây phải rút khỏi các vùng đất của người Hồi giáo. Vấn đề này làm suy yếu nỗ lực của những người Hồi giáo ôn hòa và cấp tiến muốn thúc đẩy quan điểm tự do theo phong tục Hồi giáo.

Cuộc tranh luận đang diễn ra trong nội bộ người Hồi giáo đã tạo cho những kẻ cực đoan không gian ý thức hệ và địa chính trị để lợi dụng. Lực lượng Hồi giáo cực đoan đã chủ đích tấn công vào những người không theo đạo Hồi, đặc biệt là người dân phương Tây, coi đó là phương tiện để giành chỗ đứng trong thế giới Hồi giáo cực đoan.

Chiến lược này cũng nhằm đẩy thế giới phương Tây vào cái được coi là cuộc nội chiến Hồi giáo nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh mà các phần tử vũ trang Hồi giáo cực đoan gây ra.

Theo cách này, cuộc tranh luận nội bộ trong thế giới Hồi giáo sẽ không dẫn tới sự thất bại của lực lượng cực đoan hoặc giúp làm giảm căng thẳng giữa người Hồi giáo và phương Tây. Và vì vậy, khi ý thức hệ trên đây vẫn tồn tại, điều đó sẽ tiếp tục sản sinh ra nhiều chiến binh Hồi giáo cực đoan mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục