Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương được Chính phủ cho phép đầu tư, xây dựng với diện tích gần 200ha tại xã Phúc Thành (nay là xã Quang Thành) và xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn từ năm 2010.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Jaks đơn vị chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương với tổng nguồn vốn khoảng 2,2 tỷ USD, có công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy.
Sau 10 năm xây dựng, tháng 11/2020 nhà máy chính thức phát điện thương mại.
Đến nay, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đã phát hơn 3,5 tỷ kWh điện lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Tính đến hết tháng 3/2024, tổng lượng tro bay, xỉ thải từ hoạt động nhà máy là trên 6,4 triệu tấn, đã tiêu thụ trên 5,9 triệu tấn, còn lại tập kết tại bãi xỉ là trên 449.000 tấn.
Hiện nay, nhà máy đang có hai hệ thống thu xỉ và hệ thống thu thập tro bay. Với hai hệ thống này, xỉ và tro bay được thu thập qua hệ thống Silo tro và Silo xỉ, sau đó chuyển ra hệ thống băng tải chuyển ra bãi thải xỉ.
Tại bãi thải xỉ, trước khi xả xuống xe trở đi tiêu thụ bằng đường thủy, đường bộ, xỉ và tro bay được chạy qua các máy trộn đều với 20% nước để không phát sinh bụi trong quá trình xử lý.
Xỉ và tro bay cũng được chuyển qua van điều tiết lưu lượng, qua van giảm áp lực rơi để rơi nhẹ nhàng hơn, sau đó chảy tiếp xuống xe qua hệ thống ống dẫn chuyên dụng giảm 95% bụi phát sinh.
Ngoài ra, nhà máy còn bố trí nhiều ống phun nước tưới sương để giảm lượng bụi lơ lửng trong quá trình vận chuyển. Lượng tro bay, xỉ không tiêu thụ hết sẽ được làm ẩm và vận chuyển ra bãi xỉ cách 1,5km có tổng diện tích trên 74,5ha, thiết kế hàng năm là trên 2,2 triệu tấn, sức chứa bãi xỉ khoảng gần 12 triệu tấn.
Hiện nay, tro bay, xỉ của nhà máy được sử dụng trong lĩnh vực san lấp, làm phụ gia khoáng cho ximăng, làm phụ gia bêtông cho các công trình thủy lợi, giao thông.
Ngoài ra, tro bay, xỉ cũng được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây nung và không nung.
Thời gian qua, lượng xỉ, tro bay được vận chuyển ra ngoài tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm hư hại hạ tầng giao thông.
Hơn nữa, chất thải được đổ tại nhiều nơi của thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng như bến bãi, đất đai, cảng thủy nội địa.
Trước thực trạng trên, ngày 28/2/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh và thị xã Kinh Môn tham gia góp ý và đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện lực Jaks Hải Dương bổ sung hoàn thiện các nội dung của Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương năm 2024.
Trong tháng 4/2024, Sở Tài Nguyên và Môi trường sau khi nghiên cứu dự thảo và khảo sát thực tế tại các vị trí xả tro bay, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cơ bản đồng ý với các nội dung đề án đưa ra, đồng thời đề nghị Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương cập nhật, bổ sung các giải pháp bảo vệ môi trường đúng thực tế và so sánh với các giải pháp đã cam kết trong báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường đã được phê duyệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương đề nghị Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương bổ sung chi tiết phương án vận chuyển tro, xỉ từ bãi thải xỉ đến nơi tiêu thụ.
Nhà máy không sử dụng xe quá tải trọng chạy trên các tuyến đê trong mọi trường hợp; không chất tải tro, xỉ tại bãi sông trong mùa lũ.
Trong mùa khô, chỉ chất tải tro, xỉ tại các bãi sông có giấy phép về đê điều khi đảm bảo về môi trường.
Ủy ban Nhân dân thị xã Kinh Môn đề nghị Công ty bổ sung thêm giải pháp nhằm hạn chế việc phát tán bụi khi tro, xỉ từ xe tải chuyển xuống mang thu xỉ.
Ngoài ra, kiến nghị Công ty ưu tiên phương thức vận chuyển, xử lý tiêu thụ tro xỉ bằng đường thủy để giảm tối đa khoảng cách vận chuyển bằng đường bộ, có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi khi vận chuyển bằng đường bộ tại các khu dân cư. Đồng thời, đề nghị Nhà máy và các đơn vị nhận thầu việc vận chuyển tiêu thụ tro, xỉ thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, nghiêm cấm hành vi đổ tro, xỉ tập kết trái phép trên địa bàn thị xã.
Nhà máy cần lắp đặt hệ thống camera giám sát việc xử lý tiêu thụ tro, xỉ, các camera này phải được kết nối với các cơ quan chức năng của thị xã để thuận tiện trong công tác kiểm tra, giám sát.
Tại cuộc họp thường kỳ lần thứ 6, Ủy ban Nhân dân tỉnh tháng 4/2024, trước các ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành và thị xã Kinh Môn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Jaks Hải Dương đã đồng thuận với các ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng trong tỉnh.
Công ty khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc những đóng góp và cập nhật vào đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương.
Kết luận tại cuộc họp thường kỳ lần thứ 6, Ủy ban Nhân dân tỉnh tháng 4/2024 vào ngày 25/4, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã yêu cầu Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương phải đáp ứng các yêu cầu của đề án đã đưa ra như đảm bảo an toàn về môi trường từ bến bãi đến nơi tiêu thụ.
Nhà máy vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy phải đảm bảo an toàn về hạ tầng giao thông.
Đối với vận chuyển bằng đường sông, Nhà máy chỉ được vận chuyển ở những nơi, cập cảng ở những địa chỉ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương phải chịu trách nhiệm với tỉnh về việc vận chuyển xỉ, tro bay đến nơi tiêu thụ. Các phương tiện vận chuyển của nhà máy phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Nhà máy cũng cần cập nhật thường xuyên những thông tin vận chuyển, khối lượng vận chuyển với các cơ quan chức năng của tỉnh.
Ông Lưu Văn Bản cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các quy trình trong quá trình vận chuyển xỉ, tro bay để đảm bảo an toàn môi trường tại các nơi vận chuyển.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, trước khi cấp phép cho các đơn vị vận chuyển xỉ, tro bay tiêu thụ cần đảm bảo về môi trường, hạ tầng, an ninh trật tự và tránh lãng phí đất đai làm bãi tập kết./.