"Yếu tố Trung Quốc" trong dự án thủ đô mới của Indonesia

Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết rõ ràng là “yếu tố Trung Quốc” sẽ tạo cớ cho thuyết âm mưu liên quan đến việc xây dựng thủ đô mới, ngay cả khi điều đó dễ bị phóng đại.
"Yếu tố Trung Quốc" trong dự án thủ đô mới của Indonesia ảnh 1Quang cảnh vùng East Kotawaringin, tỉnh Kalimantan, nơi được chọn để đặt thủ đô mới của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí The Diplomat, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Indonesia sẽ giúp quốc gia này đóng vai trò nổi bật trong việc phát triển thủ đô mới tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Kalimantan (tên gọi khác của đảo Borneo).

Hồi tháng Một vừa qua, Quốc hội Indonesia đã thông qua dự luật di chuyển thủ đô từ Jakarta đến một khu vực hẻo lánh ở tỉnh Đông Kalimantan. Dự án xây dựng thành phố thủ đô mới Nusantara đã gây nhiều tranh luận tại Indonesia, từ chi phí ước tính khoảng 32,5 tỷ USD đến các tác động môi trường đối với khu vực xung quanh.

Một trong những vấn đề tranh cãi gay gắt là liệu dự án này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ phức tạp giữa Indonesia và Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, một số ý kiến chỉ trích rằng dự án thành phố thủ đô mới sẽ trở thành một “Bắc Kinh mới” do sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình xây dựng và mối quan hệ chặt chẽ giữa Jakarta với chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ý kiến này đã bị Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa bác bỏ, đồng thời khẳng định thủ đô mới sẽ mở cửa cho bất kỳ ai quan tâm, trong đó có các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Trung Đông, Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, rõ ràng là “yếu tố Trung Quốc” sẽ tạo cớ cho thuyết âm mưu liên quan đến việc xây dựng thủ đô mới, ngay cả khi điều đó dễ bị phóng đại.

Một vấn đề liên quan đến việc xây dựng một nhà máy ximăng do Trung Quốc hậu thuẫn ở khu vực giáp ranh thủ đô mới đã được quy hoạch. Theo quan sát của Faisal Basri, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính có trụ sở tại Jakarta, nhà máy ximăng này có một số sai phạm, liên quan đến sự tham gia của Tập đoàn ximăng Hongshi Holdings thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Hoạt động của Hongshi tại Indonesia bắt đầu từ năm 2018 khi tập đoàn này đầu tư vào một nhà máy ximăng công suất 3 triệu tấn mỗi năm ở Jember, tỉnh Đông Java, với sự hợp tác của PT Semen Imasco Asiatic Indonesia. Hiện Tập đoàn Hongshi có kế hoạch xây dựng một nhà máy sử dụng 13.000 người và có công suất sản xuất 8 triệu tấn ximăng mỗi năm tại Đông Kalimantan.

[Quốc hội Indonesia thông qua dự luật chuyển thủ đô mới]

Theo ông Basri, việc xây dựng nhà máy ximăng mới này đặt ra câu hỏi về vai trò của chính phủ Trung Quốc đối với sự phát triển của thành phố thủ đô mới. Đầu tiên là sự gần gũi địa lý của địa điểm đặt nhà máy với thủ đô mới, cho phép dễ dàng cung ứng cho đại dự án này. Hai là nhà máy mới có thể gây hại cho ngành ximăng ở trong nước do Indonesia hiện đang trải qua tình trạng dư cung trong ngành ximăng với chỉ 60% công suất lắp đặt đang được khai thác.

Ông Basri cho rằng thủ đô mới cần hấp thụ các sản phẩm ximăng từ các nhà máy trong nước, thay vì sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu này cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu nhà máy ximăng mới có nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của chính phủ Trung Quốc so với lợi ích kinh tế của toàn bộ ngành xây dựng của Indonesia hay không.

Các câu hỏi cũng được đặt ra xoay quanh việc xây dựng Khu công nghiệp Indonesia (KIPI) - một khu công nghiệp xanh được quy hoạch ở huyện Bulungan, tỉnh Bắc Kalimantan, nằm không xa thủ đô mới và được cho là do Trung Quốc tài trợ phần lớn.

Phát biểu trong lễ khởi công KIPI vào ngày 21/12/2021, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng KIPI được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp xanh lớn nhất trên thế giới.

Dự án rộng 30.000ha này được hình thành trong chuyến thăm của một phái đoàn thuộc Bộ Công nghiệp Trung Quốc hồi năm 2017 và dự kiến sẽ thu hút khoảng 13 tỷ USD vốn đầu tư. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là những người ủng hộ chính của dự án KIPI.

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan mới đây cho biết đã có 10 nhà đầu tư tên tuổi của Trung Quốc muốn tham gia dự án này.

Ngoài ra, hồi năm 2019, Indonesia cũng đã hợp tác với Trung Quốc xây dựng một đập thủy điện trên sông Kayan ở tỉnh Bắc Kalimantan. Dự án này do Tổng công ty xây dựng điện lực Trung Quốc tài trợ nhằm hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mới. 

Tuy nhiên, đang có những lo ngại về chiến lược phát triển ngành công nghiệp xanh này trong bối cảnh chính phủ Indonesia chưa có lộ trình phù hợp. Một số ý kiến cho rằng việc thiếu lộ trình sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng khai thác dự án do hiện chưa có quy định nào về mức độ tham gia và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

"Yếu tố Trung Quốc" trong dự án thủ đô mới của Indonesia ảnh 2Một góc đảo Kalimantan, nơi được chọn để xây dựng thủ đô mới của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc chọn Kalimantan làm địa điểm xây dựng thủ đô mới của Indonesia cũng có khả năng tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào hòn đảo này, được thúc đẩy bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh lợi và dồi dào. Điều này có thể thấy trong các dự án đầu tư từ Trung Quốc, gồm cả các dự án phát triển trong lĩnh vực năng lượng. 

Ví dụ, Tập đoàn Gezhouba Group International Engineering Co Ltd thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã thực hiện 12 dự án phát triển ở Indonesia kể từ năm 2006, trong đó có các dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng như thủy điện tại các tỉnh Bắc và Tây Kalimantan.

Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước cũng muốn tham gia phát triển hệ thống giao thông của thủ đô Nusantara. Ba công ty Trung Quốc - gồm Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, Công ty Cơ khí Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng số 8 Trung Quốc - cũng có khả năng tham gia đấu thầu xây dựng tuyến đường cao tốc thu phí.

Tuyến đường này kết nối thành phố cảng Balikpapan với huyện Penajam Paser Utara - địa điểm đặt thủ đô mới. Ngoài cảng biển, Bắc Kinh cũng đã cung cấp các khoản vay cho chính phủ Indonesia trị giá 848,55 tỷ rupiah (khoảng 59 triệu USD) để xây dựng một phần tuyến đường cao tốc thu phí Balikpapan-Samarinda hồi năm 2019.

Mặc dù lập luận rằng Nusantara sẽ trở thành “Bắc Kinh mới” có vẻ phóng đại, nhưng không thể phủ nhận rằng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại Indonesia sẽ giúp Bắc Kinh đóng vai trò nổi bật trong sự phát triển của thủ đô mới của Indonesia. Điều này đặc biệt đúng với các khoản đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào tỉnh Đông Kalimantan và đảo Kalimantan rộng lớn hơn.

Từ cuộc thảo luận trên, 3 điểm quan trọng cần được lưu ý. Trước hết, chính phủ Indonesia cần đảm bảo ưu tiên trước hết sử dụng các sản phẩm từ các doanh nghiệp trong nước để đáp ứng nhu cầu xây dựng thủ đô mới vốn là mối quan tâm của nhiều bên. Việc cho phép doanh nghiệp nước ngoài xây dựng một nhà máy xi măng nằm gần thủ đô mới trong khi Indonesia đang dư thừa nguồn cung không phải là một thông điệp phù hợp.

Thứ hai, việc thực hiện các dự án công nghiệp xanh cần có lộ trình rõ ràng nhằm giảm nguy cơ bị đối tác nước ngoài khai thác gây bất lợi cho một quốc gia vốn luôn bảo vệ chặt chẽ chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của mình. Như Hạ nghị sỹ Indonesia Sukamta đã từng cảnh báo hồi tháng 8/2021, các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Indonesia, đặc biệt là tại các khu vực xung quanh thủ đô mới, có thể rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài nếu không có các quy định chặt chẽ.

Thứ ba, mặc dù đầu tư nước ngoài có thể mang lại nhiều lợi ích cho Indonesia, bao gồm cả việc di dời thủ đô đến Nusantara, song nguồn đầu tư này cũng có nguy cơ làm gia tăng số lượng lao động nước ngoài ở Indonesia.

Trong những năm qua, lao động Trung Quốc nhập cảnh đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt trong nước do làm giảm cơ hội của các lao động địa phương, nhất là khi có nhiều lao động Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Hiện tâm lý tiêu cực đối với lao động Trung Quốc vẫn khá cao trong công chúng Indonesia và ý kiến cho rằng một lượng lớn lao động Trung Quốc đang nhập cư vào nước này có thể khiến dự án thủ đô mới trở thành chủ đề gây tranh cãi chính trị trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục