Khi Indonesia từ chối đầu tư của Trung Quốc vào quần đảo Natuna

Quần đảo Natuna trở thành điểm nóng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia trong những năm qua khi Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhìn từ một tàu hải quân Indonesia trong một cuộc tuần tra ở vùng đặc quyền kinh tế Indonesia, phía bắc đảo Natuna. (Nguồn: Reuters)
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhìn từ một tàu hải quân Indonesia trong một cuộc tuần tra ở vùng đặc quyền kinh tế Indonesia, phía bắc đảo Natuna. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng scmp.com đưa tin, đầu tư của Trung Quốc không còn được chào đón tại quần đảo Natunas nằm ở phía Nam Biển Đông.

Quần đảo này thuộc Biển Natuna của Indonesia. Đây là tuyên bố của một quan chức quản lý quần đảo này trong bối cảnh tàu đánh cá Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển Natuna vốn khiến quan hệ Jakarta và Bắc Kinh căng thẳng. 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sydney Morning Herald của Australia hồi tháng Sáu vừa qua, lãnh đạo quần đảo nói trên, ông Abdul Hamid Rizal, đã kêu gọi phương Tây “mở hầu bao của mình” để phát triển kinh tế của quần đảo.

Quần đảo Natuna trở thành điểm nóng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia trong những năm qua khi Bắc Kinh đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dựa trên cái gọi là “Đường 9 đoạn.”

Mặc dù quần đảo Natuna nằm bên ngoài "Đường 9 đoạn" này song vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nó lại chống lấn với một vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Luật biển quốc tế, như được nêu cụ thể trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), ủng hộ quan điểm của Indonesia.
Điều này đã dẫn đến các vụ đối đầu trong những năm qua, khi chính phủ Indonesia coi các hoạt động của Trung Quốc trong phạm vi EEZ của Natuna là đánh cá bất hợp pháp, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố đây là “những ngư trường truyền thống.”

Vụ đối đầu gần đây nhất diễn ra hồi tháng Một năm nay khi một đội tàu Trung Quốc bị buộc phải đi ra khỏi vùng lãnh hải của Indonesia.

Trong bối cảnh sự không khoan nhượng của Trung Quốc ở Biển Natuna đã đủ lộ rõ, sự ác cảm của nhà lãnh đạo địa phương nói trên đối với đầu tư của Trung Quốc là điều dễ hiểu.

Kể từ năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Indonesia, đánh bật Nhật Bản từ vị trí thứ hai cố thủ lâu nay của Tokyo. Trong quý 1 vừa qua, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí số 2 này sau Singapore, với vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD, so với con số 1,3 tỷ USD của Trung Quốc. Đứng sau Trung Quốc là Hong Kong và Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu Tư của Indonesia, ông Luhut Pandjaitan, phần lớn các khoản đầu tư do các công ty Singapore thực hiện đều theo yêu cầu của các khách hàng Trung Quốc.

“Vì vậy, Trung Quốc trên thực tế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Indonesia,” ông này nói với báo giới hồi tháng 12/2019.

Ông Pandjaitan là vị bộ trưởng có tiếng nói trong nội các của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi). Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông cho biết sẽ chào đón đầu tư của Trung Quốc và Nhật Bản vào ngành thủy sản của Natuna. 

Mặc dù Tổng thống Indonesia Jokowi chưa hề công khai chối bỏ đầu tư của Trung Quốc, song ông lại tích cực tìm kiếm đầu tư từ Nhật Bản đối với quần đảo Natuna khi ông có cuộc gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu hồi đầu năm 2020.

Cuộc gặp này diễn ra xung quanh khoảng thời gian các tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập Biển Natuna hồi tháng Một năm nay. Bắc Kinh đã không hài lòng trước động thái của Tổng thống Jokowi.

Trong một bài xã luận, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đặt câu hỏi về quyết định của Indonesia khi kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào quần đảo Natuna, cáo buộc tổng thống Indonesia lợi dụng vấn đề Biển Đông “để chuyển hướng sự chú ý của người dân trong nước và né tránh sức ép chính trị.”

[Indonesia lại phát hiện tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế]

Xét về đầu tư toàn cầu, quần đảo Natuna chỉ là một “người chơi” nhỏ bé. Kể từ tháng 10/2019, tổng vốn đầu tư thực tế tại quần đảo này trong năm 2019 chỉ ở mức hơn 15 triệu USD, 29% trong số đó là đầu tư nước ngoài.

Các khoản đầu tư nước ngoài thường được đổ vào lĩnh vực đánh bắt hải sản, thiết bị lọc dầu và các khu nghỉ dưỡng. Hiện đầu tư của Trung Quốc ở quần đảo này là đáng kể.

Theo dữ liệu mới nhất của chính quyền địa phương, đầu tư của Trung Quốc trong năm 2020 ở vào khoảng 500.000 USD trong khi Singapore đã cam kết đầu tư khoảng 4 triệu USD.

Hiện giới đầu tư không mặn mà với quần đảo này do cơ sở hạ tầng thiếu thốn và thiếu các chính sách xúc tiến đầu tư của chính quyền địa phương. Ví dụ, sân bay hiện nay của quần đảo này thực tế vừa đóng vai trò phục vụ các chuyến bay dân sự vừa đóng vai trò là căn cứ của Không quân Indonesia.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi vì dưới đáy biển của quần đảo này giàu khí tự nhiên. Mỏ khí Đông Natuna là mỏ khí lớn nhất ở Đông Nam Á, song hoạt động khai thác chưa thể bắt đầu cho đến năm 2030.  

Mặc dù những phản đối mạnh mẽ của ông Abdul Hamid đối với khoản đầu tư của Trung Quốc ở quần đảo Natuna có thể là một cách để nâng cao hình ảnh của quần đảo này đối với các nhà đầu tư phương Tây, song vấn đề ở chỗ là ông làm như vậy khi đụng chạm vấn đề mang tính sắc tộc.

Abdul Hamid cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc không quan tâm đến người Indonesia bản địa và thậm chí có thể đưa cả quân đội Trung Quốc sang Indonesia. Gạt sự giận giữ của Bắc Kinh sang một bên, câu nói trên của ông Abdul Hamid tỏ ra thiếu thận trọng đối với cộng đồng người thiểu số gốc Hoa của Indonesia mà nhiều người trong số họ vẫn sống trong nỗi sợ hãi của vấn đề phân biệt chủng tộc.

Thế hệ cũ người Indonesia gốc Hoa vẫn còn nhớ quy định PP10 hồi năm 1959, trong đó cấm bất kỳ ai có quốc tịch Trung Quốc mở hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ và vừa, trừ ở các khu vực đô thị.

Quy định này ảnh hưởng đến ít nhất 500.000 người Indonesia gốc Hoa vào thời điểm đó, buộc họ phải di dời đến những thành phố lớn hoặc hồi hương về Trung Quốc.

Một điều đáng lưu tâm khác là tàu thuyền Trung Quốc sẽ không sớm chất dứt các hoạt động tại vùng Biển Natuna. Vì vậy, các vụ đụng độ giữa Jakarta và Bắc Kinh về quyền đánh cá sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Có lẽ, trái với những gì mà vị lãnh đạo trên tin tưởng, giải pháp đối với vấn đề đầu tư vào quần đảo Natuna phụ thuộc vào sự can dự của Trung Quốc, cũng như của các nước khác có truyền thống đánh bắt cá lâu đời như Nhật Bản và Na Uy, trong hoạt động đầu tư phát triển quần đảo này theo một khuôn khổ pháp lý nào đó, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ những lợi ích của Indonesia.

Một điều cần lưu ý là tại thời điểm ông Abdul Hamid trả lời phỏng vấn tờ Sydney Morning Herald thì vấn đề đầu tư vào quần đảo Natuna mang tính “kinh doanh nhiều hơn, chứ không thiên về chính trị”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục