22 tỷ vốn vay ODA sẽ được giải ngân theo đúng tiến độ cam kết

Hiện còn khoảng 22 tỷ USD vốn ODA, trong đó có 2,15 tỷ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và sau năm 2020.
22 tỷ vốn vay ODA sẽ được giải ngân theo đúng tiến độ cam kết ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trước thông tin về khoản vốn vay ODA 22 tỷ USD đã ký kết nhưng chưa được giải ngân (thống kê của Bộ Tài chính) gây lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án, ngày 2/6, trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5/2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.

Hiện, còn khoảng 22 tỷ USD đã ký kết đang trong quá trình thực hiện; trong đó có 2,15 tỷ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Cũng trả lời bằng văn bản về đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA), theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện có hai luồng ý kiến: đồng tình bởi cho rằng giúp huy động nguồn lực vàng trong dân (dự tính khoảng 500 tấn); ý kiến khác lại đánh giá việc này là kém khả thi và rủi ro cao, lo ngại sàn vàng nếu hình thành sẽ chỉ như “cái chợ” mua bán trung gian, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, nguy cơ vàng hóa nền kinh tế.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Liên quan tới Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về Lộ trình sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biếtChính phủ sẽ tiếp tục có các cơ chế, giải pháp phù hợp để khắc phục những khó khăn, tồn tại, đẩy mạnh thực hiện Lộ trình này trong thời gian tới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 6/2016, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Lộ trình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện; trong đó có các giải pháp để giá bán xăng E5 thấp hơn xăng khoáng; mở rộng hệ thống trạm pha chế, phối trộn và mạng lưới phân phối xăng E5; áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế, phương pháp tính giá cơ sở đối với xăng E5, cơ chế quản lý giá Ethanol.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục