Ngày 24/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý I và định hướng công tác những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo, nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, dự báo cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế, qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Chống thổi giá, lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ công tác quản lý, điều hành giá trong quý I/2024 tuy gặp nhiều áp lực, tiếp tục chịu nhiều thách thức do những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều đan xen từ bối cảnh thế giới và khu vực, nhưng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.
Chính phủ cũng chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ, Tết; chuẩn bị sớm phương án điều hành các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa hợp lý; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
Nhấn mạnh trong quý 2 và những tháng còn lại của năm 2024, áp lực rất lớn, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là ba Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Việc điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở kịch bản điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có quyền số cao trong CPI.
Tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; điều hành chính sách tiền tệ (tính dụng, lãi suất, tỷ giá) hợp lý góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến pháp luật về giá, để triển khai, hướng dẫn Luật Giá, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.
Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng.
Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý; đồng thời phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, trung thực thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Tất cả phải vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá, chống lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phù hợp với tổng thể triển khai cải cách chính sách tiền lương
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Bình quân quý 1/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường bán lẻ vẫn được kỳ vọng đang trên đà phục hồi. Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1.537 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%.
Bộ Tài chính cho rằng quý 2 và các tháng còn lại của năm 2024, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, triển khai thi hành Luật Giá có hiệu lực từ 1/7/2024.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê đã phân tích diễn biến CPI và cung cầu hàng hóa thiết yếu trong nước và quốc tế.
Các ý kiến nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, quản lý tỷ giá, giá vàng; công tác triển khai Luật Giá; đảm bảo cung cầu thị trường; quản lý giá dịch vụ khám, chữa bệnh, giá cước vận tải hàng không, hàng hải, giá mặt hàng xăng dầu, dầu thô, khí hóa lỏng, điện, giá nông sản, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng…
Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường
Hà Nội yêu cầu các sở chuyên ngành báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu phù hợp với thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Nhiều ý kiến đề nghị các bộ, ngành tính toán thời điểm điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý, đảm bảo phù hợp, điều phối nhịp nhàng với tổng thể triển khai cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024./.