Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hoàn thiện chính sách thu thuế giá trị gia tăng

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm ý kiến của các nhà khoa học về việc đề xuất nên đưa thêm đối tượng sách chuyên khảo, lĩnh vực báo chí vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Bổ sung phạm vi các nội dung chính sách được sửa đổi

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Về mục tiêu, quan điểm và phạm vi các nội dung sửa đổi, Tờ trình đã xác định quan điểm, mục đích sửa đổi mang tính định hướng chung cho mọi dự án Luật thuế nhưng chưa thật bám sát các mục tiêu cụ thể của Chiến lược cải cách thuế đối với Luật Thuế giá trị gia tăng. Theo đó, một số định hướng cụ thể trong Chiến lược cải cách thuế liên quan đến thuế giá trị gia tăng chưa được triển khai như định hướng bao quát, mở rộng cơ sở thu, tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế suất theo lộ trình. Có thể thấy nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và nhóm chịu thuế suất 5% chưa được thu hẹp đáng kể.

Có ý kiến cho rằng, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung là những nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới Luật hoặc để đồng bộ với quy định của các luật chuyên ngành. Số lượng các điều, khoản sửa đổi, bổ sung có nội hàm mới so với quy định hiện hành về thuế giá trị gia tăng chưa nhiều nên chưa thật tương xứng với quy mô của Luật sửa đổi toàn diện sau một thời gian dài thực hiện.

ttxvn_ubtv_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_du_an_luat_thue_gia_tri_gia_tang_sua_doi_2.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Vì vậy, đề nghị Chính phủ bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 để cân nhắc bổ sung phạm vi các nội dung chính sách được sửa đổi, bảo đảm tính bao quát, tổng thể đối với các nguồn thu, ít nhất là trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, với nội dung sửa đổi còn tương đối hạn chế thể hiện trong hồ sơ dự án Luật, đặt trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch và hiện vẫn đang thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng 2%, do đó đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng vào thời điểm hiện nay.

Đề xuất điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hằng năm

Khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật hiện hành thành "dưới mức do Chính phủ quy định."

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế-xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Do đó, đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành như mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, chuẩn nghèo đa chiều mới, GDP/đầu người tại thời điểm hiện nay đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2013 khi mức ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng... để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến, để đảm bảo tính minh bạch và cụ thể của luật, nên nghiên cứu để có quy định mức cụ thể trong luật, không giao Chính phủ quy định như đề xuất của Chính phủ.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, hạn mức 100 triệu đồng quy định tại Luật hiện hành đến nay đã có nhiều bất cập do có sự điều chỉnh về chỉ số giá tiêu dùng, GDP bình quân đầu người.

ttxvn_ubtv_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_du_an_luat_thue_gia_tri_gia_tang_sua_doi_3.jpg
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

"Việc điều chỉnh hạn mức 100 triệu đồng là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo công khai, minh bạch và áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, căn cứ tốc độ tăng GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như tình hình thực tiễn, tôi thống nhất với ý kiến của Cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định mức doanh thu dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng ngay trong dự thảo Luật," ông Bùi Văn Cường nói.

Phát biểu tại phiên họp, về đối tượng không chịu thuế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo Luật đã liệt kê 26 nhóm không chịu thuế, chuyển 10 nhóm hàng hóa sang diện chịu thuế 5%, 10%.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến doanh nghiệp đề xuất sắp xếp 26 nhóm đối tượng này cho tương thích với phân loại về ngành nghề kinh doanh trong hệ thống các chỉ tiêu ngành kinh tế đối với lĩnh vực thống kê, đảm bảo tương thích giữa: kế toán-thống kê-thuế, để dễ theo dõi, dễ tra cứu và không bị bỏ sót.

Đối với đối tượng cụ thể không chịu thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm ý kiến của các nhà khoa học về việc đề xuất nên đưa thêm đối tượng sách chuyên khảo, lĩnh vực báo chí vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục