Bộ Tài chính Hy Lạp phải cầu viện Cơ chế Bình ổn châu Âu

Hy Lạp sẽ triển khai ngay lập tức một loạt các biện pháp vào tuần tới, trong đó có các biện pháp liên quan đến cải cách thuế và lương hưu nếu nhận được khoản vay mới của Cơ chế Bình ổn châu Âu.
Bộ Tài chính Hy Lạp phải cầu viện Cơ chế Bình ổn châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Ngày 8/7, Bộ Tài chính Hy Lạp đã gửi thư tới quỹ cứu trợ thường trực của khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong đó nước này cam kết sẽ bắt đầu thực hiện những cải cách về thuế và lương hưu theo yêu cầu của các chủ nợ để có thể nhận được khoản vay mới của Eurozone trong 3 năm giúp nước này thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Theo cam kết của Bộ Tài chính Hy Lạp, nước này đề xuất sẽ triển khai ngay lập tức một loạt các biện pháp vào tuần tới, trong đó có các biện pháp liên quan đến cải cách thuế và lương hưu nếu nhận được khoản vay mới của Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).

ESM chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/12012 như quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone. ESM có số vốn khoảng 500 tỷ euro và sẽ trở thành nhà cho vay cuối cùng đối với các nước thành viên Eurozone gặp khó khăn nếu họ cam kết tiến hành những cải cách tài chính và cơ cấu nhằm đưa các nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo, đồng thời giúp ổn định đồng tiền chung châu Âu.

Tân Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos cho biết ông muốn cầu viện tới ESM để thực hiện các nghĩa vụ nợ của Hy Lạp và bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính.

Bức thư của Hy Lạp gửi ESM không đề cập cụ thể Athens sẽ cắt giảm bao nhiều ngân sách cho quỹ hưu trí, cũng như có tăng thuế giá trị gia tăng lên mức 23% theo yêu cầu của các chủ nợ hay không.

Ông Tsakalotos tái khẳng định Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ đề trình các đề xuất cải cách mới cho các đối tác Eurozone vào ngày thứ 5 tới, đồng thời nhấn mạnh Hy Lạp cam kết tuân thủ các nghĩa vụ tài chính đối với các chủ nợ một cách đầy đủ và đúng hạn.

Hy Lạp đang bên bờ vực vỡ nợ sau khi đã mất khả năng thanh toán số tiền 1,6 tỷ euro theo đúng hạn cho Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 30/6 vừa qua. Các ngân hàng ở Hy Lạp đã đóng cửa trong 8 ngày làm việc vừa qua để ngăn người dân ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng.

Theo một quan chức cấp cao của Hy Lạp, dự kiến trong ngày 8/7, chính phủ nước này sẽ ra một sắc lệnh mới yêu cầu các ngân hàng tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa để chờ chính phủ thuyết phục các chủ nợ về một thỏa thuận mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục