Bộ trưởng Xây dựng trả lời chất vấn còn vòng vo

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Xây dựng trả lời trực tiếp, rõ ràng về trách nhiệm của bộ, bộ trưởng khi tai nạn ngày càng tăng cao.
Ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn lao động của Bộ Xây dựng tại các khu chung cư, đô thị mới đảm bảo an toàn, sạch đẹp và văn hóa.

Bộ trưởng cũng chả lời chất vấn về việc thực hiện pháp luật về quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng ở các tỉnh, thành phố và đặc biệt là quản lý xây dựng ở các đô thị lớn.

Cần phân cấp mạnh trong công tác thanh tra xây dựng

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trước tình trạng số lượng các vụ tai nạn lao động ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, bộ luôn xác định để hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn lao động xảy ra trên công trình xây dựng, trước hết mỗi công trình phải an toàn. Đây là trách nhiệm của bộ đã và đang làm.

Tuy nhiên, trước thực tế số lượng các công trình xây dựng và quy mô các công trình xây dựng tăng lên; lực lượng lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong xây dựng các công trình cao tầng và các công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp ngày càng cao nên việc ban hành các quy chuẩn, quy phạm pháp luật chưa đủ là thiếu sót của bộ, Bộ trưởng thừa nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng ngành nghề xây dựng đòi hỏi tính chuyên môn, chuyên nghiệp rất cao, đòi hỏi tổ chức, cá nhân tham gia phải có nghề, có năng lực chuyên môn. Nhà nước đã có những quy định về vấn đề này nhưng vẫn hơi lỏng, nhất là về công tác tổ chức.

Bộ vẫn thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc về an toàn lao động nhưng quả thực vẫn chưa làm hết.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát trong ngành xây dựng cần có sự phân cấp rõ ràng hơn. Có một nghịch lý là ở cấp huyện hiện tại không có lực lượng kiểm tra, kiểm soát trong ngành xây dựng, trong khi hoạt động xây dựng chủ yếu diễn ra ở cơ sở.

Không đồng tình với cách trả lời vòng vo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Mã Điền Cư đề nghị bộ trưởng trả lời trực tiếp và rõ ràng hơn về trách nhiệm của bộ, của trực tiếp bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng tai nạn lao động ngày càng tăng cao và đề nghị làm rõ những hạn chế, yếu kém của bộ trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn lao động.

Sau khi liệt kê hàng loạt các tiêu chuẩn về kỹ thuật xây dựng đã được ban hành từ trước tới nay, Bộ trưởng cho biết trong phạm vi quản lý của mình, bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện, năng lực của các chủ thể, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.

Đồng thời để kiểm soát tốt hơn công tác an toàn lao động trong xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành hệ thống các tiêu chuẩn riêng cho công tác an toàn lao động trong xây dựng (26 tiêu chuẩn) và an toàn phòng chống cháy nổ (21 tiêu chuẩn).

Bộ trưởng Quân bày tỏ: "Nếu các tiêu chuẩn đã được ban hành này vẫn chưa đủ thì đó là thiếu sót của tôi, trách nhiệm của tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục ra soát để bổ sung cho hoàn thiện hơn."

Về nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trên các công trường thi công, Bộ trưởng Quân cho biết, ngoài những nguyên nhân do người sử dụng lao động, do sự chủ quan của người lao động, chủ đầu tư và các nhà thầu hoạt động xây dựng không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn xây dựng, còn có một phần nhỏ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, không lường hết được do tính chất phức tạp trong thi công xây dựng.

Không có câu hỏi dành cho Bộ trưởng nhưng đại biểu Nguyễn Văn Phúc cho rằng cần quyết liệt hơn trong đảm bảo an toàn lao động, phải có biện pháp xử lý triệt để hơn. Ngoài ra, đối với nhà thầu nếu có hiện tượng sai phạm gây hậu quả lặp đi, lặp lại phải đình chỉ hoạt động; cần mạnh dạn truy tố, khởi tố, xét xử người đứng đầu nhà thầu, chứ không thể để diễn ra như vậy.

Bộ trưởng cho biết, các vụ tai nạn lao động đều có xử lý từ hành chính tới hình sự. Tuy nhiên cũng có vụ việc rất nghiêm trọng nhưng sau khi thanh tra, kiểm tra cho thấy không tới mức xử lý hình sự mà chỉ ở mức hành chính.

Làm rõ hơn về trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật trong trong lĩnh vực này đã được ban hành đầy đủ, nhưng trong quá trình thực hiện chưa tốt, chưa đúng. Khâu kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng Nhà nước có vấn đề về năng lực, bộ máy và con người.

An toàn cho khu chung cư và khu đô thị mới

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề đảm bảo an toàn cho khu chung cư, khu đô thị mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình đều thực hiện theo quy chuẩn, quy định đề ra.

Tuy nhiên, trong thực tế, trong quá trình vận hành để xảy ra cháy như cháy ở tòa nhà JSC 34 (Lê Văn Lương, Hà Nội) là do trong quá trình thi công xây dựng đã đưa vật liệu láy vào làm ống khói (vật liệu nhựa sợi thủy tinh) không đúng với tiêu chuẩn quy chuẩn mà vẫn được nghiệm thu.

Khi sự việc xảy ra, kiểm tra lại mới thấy việc này. Bộ trưởng cho rằng đây cũng là một kẽ hở bởi khi đi kiểm đến tận gốc rễ thì người bán đã bán được rất nhiều loại vật liệu này. Biện pháp khắc phụ trước mắt là tất cả công trình có lắp vật liệu trên phải kiểm tra lại và có biện pháp xử lý.

Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho biết, Bộ Công an phối hợp tốt với Bộ Xây dựng xử lý các vụ việc vi phạm an toàn lao động xảy ra trong ngành xây dựng. Các vụ việc đều tiến hành điều tra làm rõ, nếu có yếu tố vi phạm pháp luật thì làm rõ, không có thì xử lý hành chính. Về vấn đề đảm bảo an toàn cho khu chung cư và khu đô thị mới, bộ chỉ chịu trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy, thang thoát hiểm.

Hiện nay, các chung cư cũ không có hệ thống phòng cháy, chưa cháy và thang thoát hiểm chiếm tới 70%. Bộ Công an phối hợp với các bộ liên quan tiến hành kiểm tra các chung cư cũ, mới.

Đối với chung cư cũ đã kiến nghị bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thang thoát hiểm. Các chung cư mới bắt buộc phải đưa vào thiết kế. Tuy nhiên, do trong quá trình xây dựng, công tác kiểm tra, giám sát không được thường xuyên nên vẫn để xảy ra.

Không có quy hoạch chi tiết: Vẫn “đào lên lấp xuống”

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc thực hiện pháp luật về quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt là quản lý xây dựng ở các đô thị lớn, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, hiện nay quy hoạch chung cơ bản là có đủ đến cấp thị xã và đô thị loại 3 trở lên, quy hoạch chi tiết 1/2.000 trở xuống thì thiếu do không làm kịp.

Chính điều này đã dẫn tới tình trạng “đào lên lấp xuống” tại các khu đô thị do không có quy hoạch và quy hoạch không đi trước một bước. Bộ trưởng cho rằng, nếu có quy hoạch chi tiết, khi tổ chức xây dựng sẽ thấy ngay tổng thể và sẽ tránh được tình trạng trên.

Tuy nhiên hiện nay, tổ chức quản lý đô thị thuộc về các cơ quan khác nhau, nguồn vốn đầu tư khác nhau và đó là bất cập hiện nay, đặc biệt đối với vấn đề hạ tầng của đô thị. Việc đưa ra ngầm hóa ở các đô thị lớn hiện nay chính là để khắc phục tình trạng này, góp phần làm an toàn vận hành, giữ cảnh quan môi trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện quy hoạch không chỉ là việc của ngành xây dựng. Nếu đô thị phát triển theo quy hoạch sẽ đảm bảo yếu tố đồng bộ và để làm được điều này cần đồng bộ từ cơ quan quan lý, từ vốn đầu tư vì vậy rất cần cần vai trò nhạc trưởng trong đô thị. Bộ Xây dựng không thể làm hết được./.

Bích Thủy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục