Cán bộ tín dụng ngân hàng: "Đứng cho vay, quỳ thu nợ"

Lợi dụng tâm lý, ngân hàng thường rất… “sợ” mất hình ảnh trước khách hàng, nên nhiều khách vay không những không trả nợ đến hạn mà còn sẵn sàng ăn vạ để không trả nợ ngân hàng.
Cán bộ tín dụng ngân hàng: "Đứng cho vay, quỳ thu nợ" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhìn những cán bộ ngân hàng luôn khoác trên mình chiếc áo sơ mi trắng với chiếc quần âu láng mượt, nhiều người cho rằng họ là những cán bộ luôn được ngồi trong phòng với điều hòa mát lạnh hay luôn được gặp gỡ những khách hàng sang trọng, giàu có.

Nhưng ít ai biết rằng, những người cán bộ này đã phải ăn trực, nằm chờ trong kho hàng. Nhiều cán bộ tín dụng đã trở thành những nhân viên bảo vệ bất đắc dĩ, thậm chí họ còn bị khách vay nợ dùng dao tấn công, ném chất bẩn vào người.

Lợi dụng tâm lý, ngân hàng thường rất… “sợ” mất hình ảnh trước khách hàng, nên nhiều khách vay nợ không những không trả nợ đến hạn mà còn sẵn sàng ăn vạ và lợi dụng dư luận để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.

Hiện nay, tình trạng này không còn là hiện tượng lẻ tẻ, mà dường như đã trở thành phổ biến, nhiều khách hàng vay xong cứ muốn quên đi nghĩa vụ trả nợ, thậm chí họ chây ỳ, trì hoãn, càng kéo dài càng tốt.

Bài 1: Nước mắt rơi trên những bộ "quần là áo lượt"

“Đứng cho vay, quỳ thu nợ” giờ đã trở thành câu cửa miệng của dân nhà băng tự đúc kết nhằm ám chỉ những khoản vay bị xếp vào diện nợ xấu. Khi ký hợp đồng thì tay bắt mặt mừng, ly rượu vang đỏ chói là minh chứng cho sự hợp tác thuận lợi và thành công.

Tuy nhiên, do sự suy yếu của nền kinh tế hoặc do tính toán nhầm lẫn trong kinh doanh hay do những hợp đồng "nhắm mắt làm liều" của một số cán bộ tín dụng nên nhiều hợp đồng đã quá hạn mà khách hàng không trả được nợ. Lúc này, cán bộ ​thu hồi nợ buộc phải dùng nhiều biện pháp từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ miễn là thu được tiền về cho ngân hàng.

Nước mắt người thu nợ

Ông Thiệu Ánh Dương, Giám đốc Công ty quản lý nợ Techcombank chia sẻ tại một hội nghị về xử lý nợ xấu, trong việc thu giữ tài sản, nhiều trường hợp thực hiện thành công nhờ sự thông cảm và hỗ trợ của chính quyền, công an địa phương. Nhưng cũng có nhiều trường hợp nhân viên của ông bị khách hàng ném chất bẩn, dùng dao hoặc dùng những vật rất nguy hiểm tấn công. Nhiều trường hợp không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương khiến cán bộ ngân hàng "ứa nước mắt".

Ông Dương cho biết ông đã từng được công an địa phương "mời" đến uống nước chè lấy lời khai về tiền án tiền sự, khai về bố mẹ, anh chị em như một tội phạm.

Trong tháng 10/2016, Tecombank đã tiến hành thu giữ một tài sản bảo đảm tại Hà Nội, đây là tài sản bảo đảm của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày. Mặc dù ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ như gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ nhưng khi tiến hành thu nợ, tổ chức tín dụng đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản và không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

“Trong những trường hợp này chúng tôi chưa nhận được sự nhiệt tình của chính quyền địa phương để bảo vệ việc thu giữ tài sản,” ông Dương bức xúc.

Còn một cán bộ của Ngân hàng Công thương cũng chia sẻ: Khi anh được giao xử lý món nợ của một khách hàng cá nhân đã quá hạn hơn 2 năm, anh và một vài nhân viên ngân hàng vừa đến nơi, không giống như một số con nợ khác là trốn không ra mặt mà chủ nhà này đã ngồi đợi sẵn. Tuy nhiên, thay vì rót nước mời khách, chủ nhà cầm con dao để sẵn bên cạnh phi một phát trúng ngay con gà đang “lang thang” ngoài sân.

“Tất cả chúng tôi lúc đó đều hoảng sợ vì nhìn chủ nhà mặt lạnh băng, chị vợ run rẩy đứng trong góc nhà không dám nói lời nào. Sau vài phút trấn tĩnh lại, tôi ra xe ôtô cầm chai rượu vào và nói: ‘Anh có gà thì tôi có rượu, chúng ta ăn uống đã rồi nói chuyện sau’. Lúc này chủ nhà biết là không thể dọa được tôi nên mới chấp nhận dịu giọng và cuối cùng bằng cách thuyết phục của mình sau một thời gian ngắn chúng tôi cũng đã thu được món nợ đó,” cán bộ Ngân hàng Công thương chia sẻ.

Cán bộ tín dụng ngân hàng: "Đứng cho vay, quỳ thu nợ" ảnh 2 Một nhà máy thép - tài sản thế chấp ngân hàng bị bỏ hoang. (Ảnh: TH/Vietnam+)

Buộc phải nghĩ ra nhiều “chiêu trò”

Các cán bộ tín dụng cho rằng, khi ngân hàng đã giao việc đòi nợ cho các nhân viên chịu trách nhiệm thì nhân viên phải nghĩ ra “sáng kiến” để đòi nợ. Để thu được nợ về, có cán bộ đã phải trở thành những “bảo vệ” bất đắc dĩ ngày đêm canh gác kho hàng.

Anh Trung là một cán bộ thu hồi nợ của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội chia sẻ: Có hôm đang ăn cơm tối cùng với vợ con ở nhà, nhận được tin nhắn có kho hàng thế chấp quá hạn chuẩn bị chuyển hàng đi nơi khác, anh Trung ngay lập tức bỏ cơm chạy đến kho hàng canh giữ và những hôm như vậy thường là phải thức cả đêm luôn.

Có hàng để thu giữ vẫn còn may. Nhiều trường hợp một lô hàng được thế chấp tại nhiều nhà băng, đến khi xảy ra sự cố ai cũng tranh đến thu giữ.

Câu chuyện có tới 7 ngân hàng cùng “tranh nhau” một kho càphê ở Bình Dương (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Ngân) vào giữa năm 2013 đã gây xôn xao trong dư luận. Việc tranh chấp kéo dài và căng thẳng khiến cơ quan công an phải nhiều lần huy động lực lượng đến hiện trường để ngăn chặn người của các ngân hàng xô xát nhau. Việc tranh chấp này sau đó được đưa ra tòa án phân xử. Khi cơ quan thi hành án bốc dỡ số càphê khỏi kho chờ quyết định của tòa thì phát hiện tại kho này có hàng loạt bao... chứa rác.

Bên cạnh đó, có những cán bộ “ám” con nợ bằng cách là “nã tin nhắn" vào điện thoại hoặc gọi trực tiếp tới nóng cả máy. Nếu mọi biện pháp đó chưa ăn thua, các nhân viên ngân hàng sẽ gửi công văn về nơi khách vay nợ đang làm việc.

Có những cán bộ còn phải đến “ăn trực, nằm chờ” tại doanh nghiệp ngồi nhiều ngày, nhiều giờ, thấy tiền về, hàng về là ngay lập tức thu ngay.

Một dẫn chứng khác khiến cho cán bộ ngân hàng vô cùng vất vả, khi mà kháchvay nợ vẫn có tiền, còn nhà nhưng vẫn chây ỳ cố tình không trả nhà cho ngân hàng như đưa bố mẹ già, chú bác họ hàng đến ở trong nhà đó. Có trường hợp cán bộ ngân hàng điều tra được biết khách nợ đang cho thuê căn nhà thế chấp quá hạn đó được 2.000 USD nhưng cũng cố tình không trả nhà cho ngân hàng.

Một cán bộ của ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội cho biết, trong những trường hợp như trên chúng tôi đã phải mất rất nhiều ngày thuyết phục, tìm cách nói chuyện lý lẽ với chủ nhà, thậm chí phải nhờ đến cơ quan điều tra.

Rồi có nhiều trường hợp khi ngân hàng tìm mọi cách lấy lại được tài sản thế chấp rồi nhưng khi mang ra bán đấu giá lại không có ai mua vì nhiều tài sản có người chết trong nhà hoặc chiếc ôtô gây tai nạn khi tham gia giao thông…

Chính ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự cũng thừa nhận, hiện có nhiều tài sản có bán đến cùng cũng không có người mua. Vì tâm lý của người mua muốn an cư lạc nghiệp họ thường ngại “dớp” và có nhiều trường hợp đã bị khách vay nợ; dọa không thể ở yên ổn được, thậm chí khó có thể cưỡng chế./.

Đại diện của các ngân hàng cho rằng, việc thu hồi nợ là việc "cực chẳng đã". Vay mượn là thỏa thuận hai bên cùng ký. Thu hồi nợ đó là nhiệm vụ ngân hàng buộc phải làm khi đã hết cách xử lý vì tiền không phải của ngân hàng mà thực tế là tiền của huy động của người dân, của Nhà nước. Việc phát mãi tài sản thế chấp chỉ là bất đắc dĩ thôi nên cần có sự hỗ trợ của các cơ quan như tòa án, công an...  Nhưng phía công an cũng cho rằng, ngân hàng cần có những quy định chặt chẽ với các khoản vay và với nhân viên thẩm định dự án, bởi ngân hàng phải có biện pháp bảo vệ mình trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ từ các cơ quan bên ngoài.

Bài 2: Ngân hàng thu hồi nợ: "Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục