Chênh vênh số phận của đồng tiền chung châu Âu

Nguy cơ khủng hoảng nợ công làm tan rã khu vực đồng euro, chấm dứt sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu đang trở nên hiện hữu.
Khi đưa đồng euro vào sử dụng năm 1999, Liên minh châu Âu (EU) muốn thống nhất các quốc gia châu Âu thành một liên minh kinh tế - tiền tệ vững mạnh.

Tâm nguyện của các nhà lãnh đạo EU phần nào đã thành hiện thực khi việc sử dụng đồng euro trong những năm qua khiến đời sống của người dân châu lục này trở nên thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, vấn đề khủng hoảng nợ công đang “trắc nghiệm” sự kết nối châu Âu và đặt ra câu hỏi về tương lai của đồng euro.

Nguy cơ khủng hoảng nợ công làm tan rã khu vực đồng euro, chấm dứt sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu đang hiện hữu. Ý niệm này vài năm trước đây được coi là “điều không tưởng,” nhưng nay được đánh giá là “hoàn toàn có thể xảy ra.”

Hy Lạp và Ireland mới tạm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ nhờ các gói cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungari và Italy đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ công.

Nếu kịch bản này xảy ra, EU sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp cứu trợ. In thêm tiền sẽ chỉ như “muối bỏ bể” vì hầu hết các nước này đều có quy mô kinh tế lớn và vì thế phải cần tới các khoản cứu trợ khổng lồ. Điều đó khó tránh khỏi nguy cơ gây lạm phát, thậm chí siêu lạm phát, với hậu quả là tình trạng hoán đổi nợ xấu gia tăng, niềm tin vào đồng euro giảm sút và đồng tiền chung châu Âu có thể "biến mất."

Biện pháp được nhiều nước sử dụng lâu nay (phát hành trái phiếu) không phải là sự lựa chọn thích hợp. Thị trường này có thể “đóng băng” nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không tiếp tục mua vào, trong khi ECB không thể “ôm” hết số trái phiếu mà các chính phủ EU phát hành. Trong bối cảnh đó, sự sụp đổ của Khu vực đồng euro dường như “chỉ là vấn đề thời gian.”

Thế nhưng, vẫn còn nhiều cơ sở để người ta hy vọng. Khu vực đồng euro không dễ dàng bị tan rã. Thứ nhất, EU hiện có vị thế quan trọng trong nền chính trị, ngoại giao, kinh tế và tài chính quốc tế.

Nhiều nước EU có nền công nghiệp hiện đại và tiềm năng tài chính lớn. Đa số các nước EU có mức sống cao và chế độ phúc lợi tốt. Đồng euro dù mới ra đời nhưng đã trở thành đồng tiền có uy tín trong giao dịch thương mại quốc tế.

Chính vì vậy, sự tồn tại vững chắc của đồng euro không chỉ là mong muốn của đa số người dân châu lục này mà cả nhiều khu vực khác trên thế giới. Thứ hai, nếu Khu vực đồng euro tan rã và các nước quay trở lại với đồng nội tệ, nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn châu Âu có thể là hậu quả “nhãn tiền”. Bài học kinh nghiệm đã có.

Khi Argentina cuối năm 2001 chấm dứt hệ thống chuyển đổi cố định giữa đồng peso và đồng USD, đồng tiền của nước này đã mất giá 55%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 11%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20% và tỷ lệ lạm phát là 40%.

Báo Le Figaro của Pháp nhận định rằng nếu Khu vực đồng euro đi theo “vết xe đổ” của Argentina, giá trị đồng tiền này sẽ giảm xuống chỉ còn 1 euro “ăn” 0,85 USD, không phải 1,3 USD như hiện nay. Liệu các nước khác có thể “nhắm mắt làm ngơ” trước sự sụp đổ của Khu vực đồng euro.

Một lý do khác khiến dư luận lạc quan về tương lai đồng euro là Hiệp ước Lisbon đã khẳng định Khu vực đồng euro là “liên minh kinh tế và tiền tệ, trong đó đồng tiền được sử dụng là đồng euro.” Vì vậy, mọi quyết định rút khỏi Khu vực đồng euro đồng nghĩa với việc quay lưng lại với EU.

Năm 2011 và 2012 được dự báo là thời gian thử thách gay go nhất đối với số phận của đồng euro nói riêng và tương lai EU nói chung. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ có thể là chỗ dựa cuối cùng để cứu đồng euro, nhưng nguy cơ đồng euro đổ vỡ vẫn không giảm.

Đặc biệt, nếu lạm phát kéo dài, đồng euro sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm hơn. Đó là lý do khiến nhiều nhà lãnh đạo khu vực trong thông điệp Năm mới 2011 đã đặt ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định của đồng euro./.

Lưu Liên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục