Chống tham nhũng: Bộ máy đã có, quan trọng là khâu thực hiện

Theo đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, văn bản pháp luật và bộ máy để chống tham nhũng khá đầy đủ, nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện.
Chống tham nhũng: Bộ máy đã có, quan trọng là khâu thực hiện ảnh 1Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đang trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến cho biết, để đấu tranh và phòng ngừa hiệu quả với nạn tham nhũng cần phải đưa ra những quy định cụ thể trong đó là phát huy trách nhiệm người đứng đầu cũng như phát huy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đã trao đổi với báo chí về công tác chống tham nhũng hiện nay.

- Thưa ông, trong điều kiện hiện nay, để công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả cao thì cơ cấu bộ máy cũng như hệ thống pháp luật đã đủ mạnh chưa?

Đại biểu Lê Như Tiến: Thực ra, trong phòng chống tham nhũng chúng ta không thiếu các văn bản pháp luật, ví dụ như Luật phòng chống tham nhũng... ngoài ra còn có nhiều chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, rồi về bộ máy chúng ta cũng có cả Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng Nhân dân các địa phương...

Mới đây, chúng ta lại thành lập Ban Nội chính từ trung ương cho đến các tỉnh và trên đó là Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Có nghĩa, văn bản pháp luật và bộ máy không thiếu, nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện.

Theo tôi việc tổ chức thực hiện chính là người đứng đầu các cơ quan tổ chức, nhưng khi quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thì đã xuất hiện bất cập khác đó là nhiều người đứng đầu vẫn còn sợ trách nhiệm nên vun vén, xoa dịu, thậm chí biến báo các con số để từ tham nhũng hạ xuống thành khuyết điểm, thậm chí phải chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ là phê bình, kiểm điểm nội bộ.

Đó cũng là bất cập và là nguyên nhân khiến công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta còn có những hạn chế mà như báo cáo của Chính phủ đã nêu trước Quốc hội vừa qua.

- Nói như vậy nghĩa là chúng ta không có biện pháp nào để phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả hay sao thưa ông?

Đại biểu Lê Như Tiến: Tôi nghĩ câu trả lời là thuộc về các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chúng ta có đủ bộ máy từ cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Nếu người đứng đầu thiếu trách nhiệm, người đứng đầu xoa dịu, vo tròn, che đậy tham nhũng ở đơn vị mình thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc mà như tôi nói là có cơ quan Thanh tra Chính phủ, cơ quan kiểm tra của Đảng, có giám sát của Quốc hội… thì tại sao chúng ta không phát huy các tổ chức, bộ máy đó, chính bộ máy này mới là chủ lực trong phòng chống tham nhũng.

Chúng ta không thể nói chung chung được mà phải đưa ra những quy định cụ thể, không chỉ có tính chất định tính mà phải có tính chất định lượng như thế nào và ở mức đó thì phải xử lý như thế nào.

Tất cả những vấn đề trên tôi cho là phải kiên quyết hơn, mạnh dạn hơn, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, và phải phát huy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Bản thân người đứng đầu Chính phủ mới là một đồng chí đã từng theo dõi, phụ trách về vấn đề nội chính, phòng chống tham nhũng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, chắc sẽ làm tốt hơn trong việc phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh an toàn trật tự, bảo đảm cho đất nước chúng ta là một đất nước an toàn. Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy đất nước chúng ta phát triển.

- Ông đánh giá như thế nào về các vấn đề nợ công và cải cách hành chính trong nhiệm kỳ vừa qua?

Đại biểu Lê Như Tiến: Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội có nói phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính để làm sao người dân, doanh nghiệp tiếp cận được với các dịch vụ công một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Chính phủ cũng quan tâm xây dựng phát triển các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tạo điệu kiện để phát triển đất nước. Thêm vào đó Chính phủ đã tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước. Tôi thấy, tất cả những công việc trên rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề rất bức xúc, chẳng hạn như cải cách thủ tục hành chính, người dân vẫn mong đợi Chính phủ cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Phòng chống tham nhũng, lãng phí có những bước tiến nhất định, nhưng người dân và cử tri thấy chưa hài lòng, đúng như báo cáo của Chính phủ là chưa đạt yêu cầu, cả về phòng chống tham nhũng, cả về phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Tôi cũng rất băn khoăn về nợ công, đây là vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nói rất nhiều. Nếu như nợ công ngày càng nhiều lên, vượt quá ngưỡng cho phép thì sau này sẽ trở thành gánh nặng cho thế hệ sau là con cháu chúng ta. Nếu vay ODA của các nước mà sử dụng không hiệu quả cũng là gánh nặng của thế hệ sau.

Còn một việc nữa mà tôi thấy ít vị đại biểu Quốc hội nhắc tới là chỉ số ICO (tức là đầu tư trên tăng trưởng), nhiều nước trong khu vực và thế giới nếu đầu tư 3 đến 4 thì được 1 tăng trưởng trong khi Việt Nam phải mất tới 6,92 mới được 1 tăng trưởng, nghĩa là càng đầu tư thì càng thất thoát vốn.

Đây chính là cảnh báo đối với nhiệm kỳ tới cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đầu tư, hiệu quả đầu tư, chứ không phải đầu tư một cách dàn trải, đầu tư bằng mọi giá.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục