Chủ tịch nước yêu cầu Ninh Bình đẩy mạnh công nghiệp, dịch vụ

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch nước yêu cầu Ninh Bình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là công nghiệp-dịch vụ.
Chủ tịch nước yêu cầu Ninh Bình đẩy mạnh công nghiệp, dịch vụ ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 20/3, làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã sớm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống.

Những năm qua, Ninh Bình đã mạnh dạn tìm hướng đi phù hợp để đưa địa phương có bước phát triển tích cực. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, tỉnh đã xác định 3 khâu đột phá và 7 trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Năm 2015 và những tháng đầu năm 2006 sản xuất nông nghiệp ổn định, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 8.000 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 97 triệu đồng; đã có 40 xã/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, tăng 21% so với năm trước.

Chủ tịch nước cho rằng thời gian tới bên cạnh thuận lợi, đất nước sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sức ép cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập với những tiêu chí cao.

Chủ tịch nước đề nghị Ninh Bình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi có thế mạnh gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo thành chủ trương và nhất quán trong chỉ đạo điều hành, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.

Chủ tịch nước nhấn mạnh một trong những hạn chế của công nghiệp hóa hiện nay là sau 30 năm Đổi mới, chúng ta vẫn chưa hình thành được lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Do vậy, cần tổ chức thống kê lại các sản phẩm công nghiệp, từ đó tìm hướng tăng cường hàm lượng chế tạo, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị sản phẩm, tạo ra tính thực chất của tăng trưởng GDP; tận dụng tối đa hạ tầng cơ sở, đẩy công nghiệp và dịch vụ lên một nấc thang mới. Mục tiêu trước mắt của hội nhập, Việt Nam phải đạt được trình độ có thể so sánh với các nước ASEAN ở tốp trên.

Nhấn mạnh Ninh Bình là nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Khu di tích Đinh-Lê, Trường Yên, vườn quốc gia Cúc Phương, danh thắng Tràng An…, Chủ tịch nước cho rằng đi đôi với khai thác ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, cần phải bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử, tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. 

Tại Ninh Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thắp hương tưởng nhớ các bậc tiên liệt, anh hùng dân tộc tại Đền Vua Đinh, vua Lê Đại Hành và Nhà bia tưởng niệm Lý Công Uẩn, vị vua đã quyết định dời đô về Kinh thành Thăng Long vào năm 1010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục