CK toàn cầu đi xuống do tín hiệu tiêu cực từ Eurozone

Phiên 5/11 do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh sau một vài tuần lên điểm và dự báo kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế Eurozone.
CK toàn cầu đi xuống do tín hiệu tiêu cực từ Eurozone ảnh 1Một phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chấm dứt đà tăng phiên đầu tuần, Phố Wall lại chuyển "sắc đỏ" trong phiên giao dịch ngày 5/11 do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh mẽ sau một vài tuần lên điểm ấn tượng gần đây, cũng như những dự báo kém lạc quan mới đây về tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2014.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 20,90 điểm, tương đương 0,13%, xuống 15.618,22 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 4,96 điểm (0,28%), xuống 1.762,97 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tiếp tục tăng 3,27 điểm (0,08%), lên 3.939,86 điểm.

Ngay từ đầu phiên, các chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm sau khi Liên minh châu Âu (EU) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm 2014, đồng thời cảnh báo nhu cầu ở các thị trường mới nổi có thể không mạnh như dự đoán và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng.

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng kinh tế ở khu vực 17 nước sử dụng đồng euro sẽ giảm xuống 1,1% trong năm 2014, giảm so với mức dự báo 1,2% đưa ra hồi tháng Năm. Cũng theo EC, tốc độ tăng trưởng này sẽ tăng lên 1,7% trong năm 2015.

Những con số dự báo tiêu cực về tốc độ tăng trưởng ở Eurozone cho thấy sự phục hồi kinh tế ở khu vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thua xa mức dự báo tăng trưởng ở Anh - một quốc gia thành viên EU nhưng không nằm trong Eurozone là 1,3% năm 2013, 2,2% năm 2014 và 2,4% năm 2015. So với Mỹ, sự chênh lệch càng thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới được dự đoán tăng lần lượt là 1,6%, 2,6% và 3,1%.

Mặc dù báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự kiến của một số doanh nghiệp Mỹ đã giúp chặn lại đà giảm sâu của chứng khoán Phố Uôn, song xu hướng bán tháo chốt lời vẫn khiến hai trong ba chỉ số chính đóng cửa phiên trong "sắc đỏ."

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau tụt dốc và đồng euro tiếp tục mất giá so với đồng USD, do phản ứng thiếu tích cực của giới đầu tư trước kết quả kinh doanh của các tập đoàn trong quý 3 năm nay và triển vọng u ám của kinh tế Eurozone trong năm tới.

Trước khi cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày 7/11, đồng euro liên tục chịu áp lực đi xuống bởi sự xuất hiện những đồn đoán rằng ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất chủ chốt, vốn đang ở mức thấp kỷ lục, do số liệu lạm phát thấp của khu vực này vừa được công bố hồi tuần trước.

Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,25%, xuống 6.746,84 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng mất 0,82%, xuống 4.253,34 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 của Đức hạ 0,31%, đóng cửa ở mức 9.009,11 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán cũng mở cửa phiên giao dịch ngày 6/11 trong không khí ảm đạm. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 52,26 điểm (0,37%), xuống 14.173,11 điểm, sau khi Mỹ công bố báo cáo cho hay tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng 10 này tốt hơn dự kiến làm dấy lên những đồn đoán về nguy cơ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm rút lại quy mô chương trình kích thích kinh tế hiện hành.

Trong khi đó, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi xuống, theo chân diễn biến mờ nhạt tại Mỹ và châu Âu. Đầu phiên, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt giảm 9,34 điểm (0,43%) và 57,59 điểm (0,25%), xuống 2.147,90 điểm và 22.981,36 điểm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục