Đánh giá quan hệ Việt-Nga sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Chuyên gia Nga Anton Tsvetov cho rằng việc Chính phủ Việt Nam quyết định dừng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước trong năm tới.
Đánh giá quan hệ Việt-Nga sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ảnh 1Ông Anton Tsvetov. (Ảnh: Dương Trí-Quang Vinh/Vietnam+)

Mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục được củng cố và phát triển. ​Triển vọng phát triển quan hệ giữa hai nước sẽ sao trong năm tới là chủ đề cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN thường trú tại Moskva với ông Anton Tsvetov - chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Liên bang Nga.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quan hệ Nga-Việt Nam trong năm 2016?

- Ông Anton Tsvetov: Năm 2016, mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam nhìn chung phát triển rất tốt đẹp. Trước hết, Hội nghị thượng định Nga-ASEAN được tổ chức thành công. Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của Nga trong ASEAN, do đó, sự thành công của hội nghị này góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Bên cạnh đó, theo tôi, việc Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với Việt Nam chính thức có hiệu lực là sự kiện đặc biệt quan trọng. Bởi vì hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nga và Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường mỗi nước, từ đó phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện kim ngạch thương mại hai chiều đã có dấu hiệu khởi sắc, trong 8 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu Việt Nam-Nga đạt 1,78 tỷ USD. Mặc dù hai bên chưa phát huy được hết tiềm năng, song nhìn chung mối quan hệ Nga-Việt Nam trong năm 2016 phát triển khá tích cực.

- Điều gì khiến mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam chưa tạo được bước đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế?

- Ông Anton Tsvetov: Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng nhất cản trở quan hệ kinh tế giữa Nga và Việt Nam là thiếu thông tin. Các doanh nghiệp Nga cần nhiều thông tin hơn nữa về thị trường Việt Nam và ngược lại. Nga và Việt Nam cần có chiến lược quảng bá tiềm năng của mình, giúp doanh nghiệp hai nước nắm bắt được cơ hội kinh doanh, tăng cường khả năng hợp tác.

Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý cũng là trở ngại đáng kể đối với phát triển kinh tế-thương mại song phương. Khoảng cách giữa Nga và Việt Nam khá xa nên mất nhiều chi phí vận chuyển, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa. Để hạn chế yếu điểm này, hai bên nên đẩy mạnh các dự án hợp tác sản xuất chung trên lãnh thổ mỗi quốc gia.

Như anh đã biết, Nga-Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời và nay đã được nâng lên đối tác chiến lược toàn diện. Vì vậy, tôi cho rằng hai nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, từ đó góp phần củng cố nền tảng quan hệ giữa hai dân tộc, quốc gia.


- Ông dự báo như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt Nam trong năm 2017?

- Ông Anton Tsvetov: Tôi không nghĩ rằng việc Chính phủ Việt Nam quyết định dừng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Nga trong năm tới. Trái lại, tôi cho rằng hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo được bước đột phá trong phát triển quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Doanh nghiệp hai nước sẽ tận dụng tối đa lợi thế do EAEU mang lại, khai thác tiềm năng sẵn có của hai bên.

Năm tới Nga vẫn tiếp tục chính sách “xoay trục” sang châu Á, trong đó ASEAN được coi là một trong những trụ cột chính trong chính sách này của Moskva. Đây cũng là kênh rất tốt giúp quan hệ Nga và Việt Nam phát triển trong năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục