Đầu tư từ ngân sách Trung ương có những chuyển biến tích cực

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong năm 2014, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn Nhà nước khoảng 567.401 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn đầu tư năm 2014.
Đầu tư từ ngân sách Trung ương có những chuyển biến tích cực ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết công tác đầu tư từ ngân sách Trung ương đã được chấn chỉnh và có chuyển biến tích cực.

Nguồn vốn ngân sách được bố trí tập trung và hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao.

Việc đầu tư từ các nguồn vốn Nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước cũng bước đầu có chuyển biến.

Lý giải về điều này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, số liệu mới nhất của Bộ cho thấy, năm 2014, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn Nhà nước khoảng 567.401 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn đầu tư năm 2014.

Số dự án đã thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành là 15.392 tỷ đồng, bằng 39,29% tổng số dự án thực hiện đầu tư và bằng 106,7% tổng số dự án kết thúc đầu tư trong kỳ (năm 2013 tỷ lệ này là 34,97% và 93,75%).

Số dự án thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành lớn hơn số dự án kết thúc đầu tư trong năm là do một số dự án kết thúc trong các năm trước năm 2014 mới làm thủ tục quyết toán.

Tuy nhiên, trong công tác đầu tư từ ngân sách vẫn còn tồn tại cần khắc phục như nhiều dự án còn chậm tiến độ. Tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh vẫn còn khá cao, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt.

Trong năm 2014, cả nước đã phát hiện 115 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 10 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 923 dự án có thất thoát, lãng phí; 302 dự án phải ngừng thực hiện (năm 2013 có 195 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư)…

Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Trách nhiệm về tình trạng nêu trên trước hết thuộc về các chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư và số dự án hoàn thành các thủ tục quyết toán trong thời gian qua ở một số cơ quan còn thấp, đòi hỏi phải có giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng quá 6 tháng.

Hiện nay, tỷ lệ giá trị thực hiện đầu tư/kế hoạch vốn đầu tư được giao trong năm ở một số cơ quan đạt thấp, một số cơ quan lại quá cao. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đề nghị, các cơ quan cần rà soát, kiểm tra, đối với cơ quan có giá trị thực hiện thấp cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, giải ngân, điều chỉnh kịp thời đối với các dự án, chương trình không hoàn thành kế hoạch.

Đối với các cơ quan có giá trị thực hiện vượt quá cao so với kế hoạch cũng cần rà soát, kiểm tra, tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015 đã bổ sung trình tự thủ tục xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án. Do đó, trong thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, các cơ quan cần xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án (đặc biệt các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương) để thực hiện các thủ tục quyết định đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục