Đến năm 2030 nguồn heli ở Trái Đất sẽ cạn kiệt

Các nhà khoa học cảnh báo con người đang tiêu hao nhanh tài nguyên heli và khả năng sẽ cạn kiệt nguồn tài nguyên này vào 2030.
Các nhà khoa học cảnh báo con người đang tiêu hao nguồn tài nguyên heli với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu do đó nguồn dự trữ heli sẽ cạn kiệt trong vòng 25 đến 30 năm tới.

Năm 1996, Mỹ đã có quy định yêu cầu kho dự trữ heli lớn nhất thế giới (kho này nằm trong một sân bay đã bị bỏ hoang tại bang Texas) phải bán toàn bộ số lượng heli vào năm 2015, để lấy tiền đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng của kho dự trự này. Điều này có nghĩa là lượng dự trữ heli của toàn cầu sẽ bị tiêu hao với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Do giá cả thấp vì thế mọi người dường như không thực hiện biện pháp tái sử dụng chúng.

Heli là nguồn tài nguyên không thể tái sinh có nhiều ứng dụng rộng rãi trong lò phản ứng hạt nhân và thiết kế kính viễn vọng không gian. Ngoài ra, heli còn là một thành phần quan trọng được sử dụng như chất làm mát của thiết bị chụp cộng hưởng từ.

Giáo sư vật lý, đồng thời là người được giải thưởng Nobel, Robert Richardson thuộc Đại học Cornell, New York cho biết, nếu nguồn dự trữ heli cạn kiệt, chúng ta sẽ không thể lấy gì để thay thế được. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp hóa học nào để hợp thành heli. Một khi heli bị cạn kiệt, chúng ta chỉ có thể lấy nó từ trong không khí, tuy nhiên giá thành sẽ gấp 10.000 lần so với hiện nay.

Heli được hình thành trong quá trình phân rã phóng xạ chậm chạp của đá. Phương pháp duy nhất để có được heli là từ quá trình phân rã tritium (một đồng vị phóng xạ hydro, tuy nhiên năm 1988 Mỹ đã ngừng sản xuất nguyên tố này)./.
 
Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục