EU lập quỹ chống khủng hoảng gần 1.000 tỷ USD

EU đã bắt đầu thành lập quỹ cứu trợ chống khủng hoảng trị giá gần 1.000 tỷ USD để giúp các nước khó khăn về tài chính như Hy Lạp.
Gần một tháng sau khi được Liên minh châu Âu (EU) nhất trí, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro đã bắt đầu thành lập quỹ cứu trợ chống khủng hoảng trị giá 750 tỷ euro (gần 1.000 tỷ USD) để giúp các nước trong khu vực gặp khó khăn về tài chính như Hy Lạp.

Quỹ chống khủng hoảng này, hay còn gọi là quỹ bình ổn châu Âu, được thành lập sau khi bộ trưởng tài chính 16 nước đồng euro nhất trí những điều khoản cuối cùng về thành lập quỹ trong cuộc họp ngày 7/6 tại Luxembourg.

Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker tuyên bố quỹ chống khủng hoảng đã sẵn sàng để cho bất cứ nước nào mắc nợ trong khu vực đồng euro vay.

Ông cho rằng quỹ ra đời giúp xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư trên thị trường về nguy cơ một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có thể "theo vết xe đổ" của Hy Lạp. Những lo ngại này đã liên tiếp đẩy giá đồng euro xuống mức thấp so với USD. Tỷ giá đồng euro với USD ngày 7/6 đã xuống dưới mức 1,20 USD/euro, mức thấp nhất trong hơn bốn năm qua.

Những ngày qua, việc Anh thừa nhận tình hình ngân sách khó khăn hơn dự kiến và Hungary phải cảnh báo về nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng như Hy Lạp. Do Anh và Hungary không thuộc khu vực đồng euro, nên những cảnh báo này càng khiến giới kinh doanh lo ngại về nguy cơ bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính mới trên toàn EU và điều này càng đẩy lòng tin khu vực đồng euro xuống thấp.

Quỹ chống khủng hoảng nói trên của EU có sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và được vận hành thông qua cơ chế mang tên "Công cụ phục vụ mục đích đặc biệt" (SPV). Với cơ chế này, EU có thể vay với lãi suất thấp tới 440 tỷ euro từ các thị trường tài chính với sự đảm bảo của các nước khu vực đồng euro để cho các nước thành viên của khối đang nợ nần chồng chất vay.

Ngoài khoản tiền này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đóng góp 60 tỷ euro và IMF đóng góp 250 tỷ euro.

Đức - nước đóng góp phần lớn nhất cho quỹ cứu trợ này, đã hối thúc các nước đồng euro khác cắt giảm mạnh ngân sách để không phải cầu viện tới quỹ này. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết "lấy Đức làm gương" khi ngày 7/6 đưa ra các kế hoạch nhằm tiết kiệm 80 tỷ euro đến năm 2014 bằng cách cắt giảm 15.000 chỗ làm trong bộ máy chính phủ, giảm các khoản trợ cấp và trì hoãn những dự án xây dựng lớn.

Bộ trưởng tài chính các nước euro đặc biệt hối thúc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xây dựng cơ chế cắt giảm chi tiêu kết hợp với các kế hoạch cải cách cơ cấu sau năm 2011 để thay đổi hệ thống lương hưu, phúc lợi và lao động. Cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai mắt xích được cho là yếu nhất trong khu vực đồng euro ngoài Hy Lạp, đều đã công bố những kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn cảnh báo rằng hai nước này và một số nước khác cần chuẩn bị để cắt giảm ngân sách hơn nữa. Sau cuộc họp, các nước đồng euro đã ra tuyên bố chung cam kết cắt giảm chi tiêu hơn nữa và tăng thuế nếu buộc phải thực hiện và sẽ thúc đẩy các cải cách cơ cấu để giảm gánh nặng chi tiêu.

Tại cuộc họp mở rộng với sự tham gia của tất cả các nước EU, các bộ trưởng tài chính đã nhất trí xây dựng những biện pháp chế tài mới cho phép các đối tác can thiệp trước khi các nước thành viên của khối lún quá sâu vào khủng hoảng nợ.

Các bộ trưởng EU cũng nhất trí trên nguyên tắc rằng các nước cần giải trình ngân sách quốc gia với đối tác châu Âu trước khi thông qua ngân sách đó. Chủ tịch hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết vào mùa Xuân hàng năm, các nước thành viên phải trình kế hoạch ngân sách quốc gia cho EC và các nước thành viên khác trước khi được chuyển lại về nước để quốc hội thông qua. Các nước sẽ xem xét chi tiết các ngân sách dự thảo này, đặc biệt về mức tăng trưởng và lạm phát.

Ngoài ra, để củng cố hơn nữa các quy định nhằm tránh tình trạng các nước liên tục phá vỡ nguyên tắc về ngân sách, các nước EU đã nhất trí xây dựng thêm các biện pháp trừng phạt, như trừng phạt sớm những nước để mức thâm hụt ngân sách gần đến mức trần quy định chung là 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay phớt lờ những cảnh báo từ EU.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, EU nhất trí thành lập một lực lượng đặc nhiệm do ông Van Rompuy đứng đầu nhằm xem xét các khả năng về cải cách kinh tế trong khối 27 nước này.

Ngay trong cuộc họp đầu tiên, nhóm đặc nhiệm này đã nhất trí cho rằng EU cần phải tăng cường giám sát ngân sách và nền kinh tế vĩ mô cũng như lập một cơ chế giải quyết khủng hoảng lâu dài và cải tiến cách quản lý kinh tế ở khu vực đồng tiền chung. Những đề xuất này sẽ được trình lên lãnh đạo các nước EU tại hội nghị thượng đỉnh cuối tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục