Giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam

Chiều 14/1, ông Nguyễn Quốc Cường trình bày tham luận chủ đề về một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.
Tại phiên họp chiều 14/1, Đại hội XI của Đảng, ông Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trình bày tham luận chủ đề “Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

VietnamPlus xin trích giới thiệu bài tham luận trên.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh cần phải đạt cho được 3 mục tiêu cốt yếu:

Một là nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Hai là nông dân phải là lực lượng chính trị-xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ba là nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn.

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Do vậy, chúng tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2020 và trước mắt là thời kỳ 2011-2015 như sau:

Một là huy động các nguồn lực để giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng: thoát khỏi đói, nghèo chuyển sang no đủ và làm giàu. Trước hết phải tập trung cho công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch các vùng sản xuất. Có quy hoạch phù hợp mới có cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo thuận lợi cho phân công lao động theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; khắc phục sự manh mún trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có khối lượng, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để giải phóng triệt để sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.

Hai là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về: kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học-kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; trước mắt cần làm thí điểm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại các vùng chuyên canh lớn, có thế mạnh.

Ba là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân tại địa bàn dân cư về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về lao động và việc làm, về thị trường và giá cả, về văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật và kinh tế hội nhập… Coi trọng công tác tuyên truyền miệng, theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nông dân. Tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào nông dân thi đua yêu nước; trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để hình thành tiêu chuẩn người nông dân mới, đó là: yêu nước, yêu chế độ, đoàn kết sáng tạo, hợp tác lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, có năng suất hiệu quả cao, có nếp sống văn hóa, văn minh, sống trung thực lành mạnh và hài hòa, là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Bốn là xây dựng Hội nông dân Việt Nam vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động thực sự là “Trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”; Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả để tập hợp, đoàn kết nông dân thành lực lượng chặt chẽ, thống nhất; tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; tiến tới có thể tiếp nhận một số dịch vụ công của nhà nước và giảm chi phí cho dịch vụ tư nhân đến nông thôn.

Năm là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng cường liên minh giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội, trong đó, trọng tâm là đổi mới phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo trên địa bàn nông thôn; củng cố nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp nhất là cấp huyện, xã…/.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục