Góp ý vào chiến lược đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan

Ban quản lý Dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan giai đoạn 2 tổ chức hội thảo cập nhật chiến lược Chương trình IPP2 nhằm thảo luận về các vấn đề trọng tâm, định hướng chiến lược.
Góp ý vào chiến lược đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan ảnh 1Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng triển khai dự án “Nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các sản phẩm sơn thân thiện với môi trường” thuộc giai đoạn 1 của IPP. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Ban quản lý Dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tổ chức hội thảo cập nhật chiến lược Chương trình IPP2 giai đoạn 2016-2018 nhằm thảo luận về các vấn đề trọng tâm, định hướng chiến lược.

Trên cơ sở các góp ý tại hội thảo, Ban quản lý sẽ tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp để triển khai hiệu quả Chương trình trong các năm tới.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã có những bước phát triển, nếu như năm 2013 Việt Nam đứng thứ 76/141 thì năm 2015 đã vươn lên thứ 52/141 trên thế giới. So với khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đã vượt Thái Lan, đứng thứ 3 sau Singapore và Malaysia về đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đã có chiến lược triển khai Chương trình IPP giai đoạn 2016-2018 và hội thảo này sẽ thảo luận thêm các nội dung trong chiến lược để chiến lược thực sự thiết thực, có hiệu quả khi triển khai tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Cũng tại hội thảo, bà Marita Meranto, Bộ Ngoại giao Phần Lan, cho rằng Việt Nam và Phần Lan đang trong thời điểm có nhiều thuận lợi hợp tác khi khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm nay; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang hoàn tất tiến trình đàm phán và khi TPP đi vào thực tiễn sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thương mại.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam-EU được ký kết trong thời gian tới sẽ tạo tiền đề cho phát triển và hợp tác kinh tế giữa EU và Việt Nam nói chung, cũng như giữa Phần Lan và Việt Nam nói riêng. Thực tế vấn đề nguồn vốn cho đổi mới sáng tạo đang là thách thức với nhiều quốc gia phát triển, nhưng Việt Nam lại đang có lợi thế và Phần Lan cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Marko Saarinen, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, nhấn mạnh cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan, đặc biệt việc hỗ trợ phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia tại Việt Nam. Theo đó, Phần Lan sẽ chia sẻ các kinh nghiệm với mục tiêu thúc đẩy trao đổi tri thức cũng như thương mại giữa hai bên.

Đối với Chương trình IPP, Việt Nam đã thành công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần hỗ trợ để cải thiện hơn nữa hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và nâng cấp các quy mô ứng dụng đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân.

Ông Marko Saarinen khẳng định khu vực tư nhân đóng vai trò đầu tàu quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho quốc gia, vì vậy khi hàm lượng đổi mới sáng tạo tư nhân được gia tăng sẽ góp phần phát triển kinh tế nói chung và cải thiện mức sống của người dân nói riêng.

Từ thực tế phát triển của Phần Lan thì IPP như là công cụ quan trọng trong nỗ lực nhằm chuyển dịch quan hệ hợp tác giữa hai nước từ mô hình hỗ trợ ODA chuyển sang quan hệ trên nền tảng thương mại và tri thức. Trong IPP giai đoạn 1, hai bên đã dần đạt được sự chuyển đổi này và tôi tin rằng, giai đoạn 2 này hai bên sẽ thúc đẩy điều này mạnh hơn nữa, ông Marko Saarinen nói.

Tại hội thảo, cố vấn trưởng IPP2 và các chuyên gia đã đưa ra các cột mốc chính cũng như những nội dung đề xuất để thúc đẩy hiệu quả của IPP trong giai đoạn 2016-2018, đảm bảo hiệu quả mục tiêu nhân rộng 15 dự án theo tiêu chí đề ra. Ngoài ra, nội dung đề xuất cũng chú trọng đến đổi mới sáng tạo tại các trường đại học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục