Chỉ số đổi mới sáng tạo: Việt Nam “cán đích” trước thời hạn 5 năm

Trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đặt ra đến năm 2020, Việt Nam lọt vào top 3 nước dẫn đầu trong ASEAN, nhưng tới 2015 chúng ta đã đứng ở vị trí này.
Chỉ số đổi mới sáng tạo: Việt Nam “cán đích” trước thời hạn 5 năm ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đặt ra đến năm 2020, Việt Nam lọt vào top 3 nước dẫn đầu trong ASEAN. Tuy nhiên, trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới WIPO vừa công bố, Việt Nam đã đứng ở vị trí này, sau Singapore và Malaysia…

“Cán đích”

Như VietnamPlus đã đưa tin, vừa qua Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) phối hợp cùng với Đại học ​Cornell (Hoa Kỳ) và Trường Kinh doanh INSEAD (châu Âu) công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đã tăng 19 bậc so với năm 2014, xếp thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế. Nếu tính riêng trong khối ASEAN, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan, đứng ở vị trí thứ ba, sau Singapore và Malaysia.

Đây rõ ràng là bước tiến nhảy vọt của ngành khoa học và công nghệ trong nước, khi mà những nỗ lực của cả hệ thống khoa học được thế giới ghi nhận.

Đánh giá về chỉ số này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là nó lại được các tổ chức uy tín trên thế giới đưa ra.

Trên thực tế, để đưa ra các đánh giá về sáng tạo của một quốc gia, các tổ chức nói trên đã dựa trên số liệu của 79 tiêu chí được thống kê từ các quốc gia. Trong đó, có tiêu chí liên quan đến đầu vào, đầu ra của khoa học và công nghệ; thể chế chính sách; nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng; kết quả khoa học được ứng dụng… Bởi vậy, có thể nói bảng xếp hạng này thể hiện trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia.

Người đứng đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chỉ số đánh giá của WIPO đã ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam khi Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực từ đầu năm 2014. Bản thân Luật có tác dụng rất lớn với 3 trụ cột là đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Điều này đã bước đầu đem lại sức sáng tạo, sức sống mới cho khoa học và công nghệ Việt Nam.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là các sản phẩm khoa học và công nghệ phát triển nhanh, số công bố quốc tế năm 2014 của Việt Nam là trên 2.600 bài báo quốc tế, số lượng sáng chế tăng…

Vẫn còn canh cánh nỗi lo

Thực tế cho thấy, dù thứ hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng vọt, nhưng trong một bài phát biểu nhân Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2015, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ từng nói chỉ khoảng 20% doanh nghiệp Việt có hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong khi, doanh nghiệp chính là nơi ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học hiệu quả nhất để đưa nền kinh tế phát triển.

Về vấn đề này, tiến sỹ Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng đây chính là điểm yếu của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu và hội nhập quốc tế đang diễn ra khốc liệt.

Bởi thế, ngoài việc chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường mạnh mẽ hơn nữa để tạo sức ép để doanh nghiệp cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo thì cần phải có các cơ chế thích hợp để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đầu tư cho đổi mới công nghệ.

Theo ông Trịnh, do đa số các doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nên năng lực đầu tư riêng rẽ của từng doanh nghiệp là không lớn. Do vậy, cần nghĩ đến cơ chế tập hợp những nguồn lực riêng rẽ đó lại để tạo ra một dòng vốn tập trung lớn đủ sức giải quyết những vấn đề chung của doanh nghiệp. Một trong những giải pháp là hình thành quỹ khoa học và công nghệ tập trung theo ngành nghề kinh doanh hoặc vùng lãnh thổ như sáng kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Song song với nguồn lực của doanh nghiệp, Nhà nước có vai trò không nhỏ trong việc tạo vốn mồi và xúc tác cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ cấp bộ, ngành và địa phương, quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chương trình đổi mới sáng tạo Việt ​Nam-Phần Lan (IPP) và hàng loạt các dự án khoa học và công nghệ… đang là những đóng góp thiết thực mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo,” ông Trịnh cho biết.

Nói về câu chuyện nâng tiếp tục thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng, ông Trịnh cho hay không có cách nào khác phải tăng đồng thời cả thứ hạng của chỉ số đầu vào và đầu ra.

Bởi vậy, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế và cơ chế quản lý để phát huy tối đa khả năng đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học, các viện, trường và doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp và xây dựng các khu công nghệ cao, các viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến; đẩy nhanh các hoạt động ứng dụng khoa học trong các doanh nghiệp và hình thành lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ để không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tri thức công nghệ mới mà còn nhanh chóng áp dụng và phổ biến rộng rãi chúng trong nền kinh tế.

“Nếu như chúng ta tiếp tục đổi mới theo tinh thần của Nghị Quyết 20 của Trung ương và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thì Việt Nam hoàn toàn có vị trí cao hơn vào những năm tới,” Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục