Hội thảo về cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác Việt Nam-Ai Cập

Các học giả Ai Cập đã đánh giá cao những thành tựu phát phát triển của Việt Nam, cho rằng chính sách đổi mới của Việt Nam là bài học quý giá đối với Ai Cập trong tình hình hiện nay.
Hội thảo về cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác Việt Nam-Ai Cập ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Trường/Vietnam+)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ai Cập từ ngày 4-9/5, Đoàn công tác Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng do ông Trần Đắc Lợi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương làm trưởng đoàn ngày 8/5 đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Truyền thông Al Hewar (Ai Cập) tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tình hình Ai Cập sau Mùa Xuân Arab: Cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác Việt Nam-Ai Cập."

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Trần Đắc Lợi đã thông báo khái quát tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong 30 năm đổi mới, cũng như giới thiệu tới các đại biểu là những học giả Ai Cập về các chính sách đổi mới và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Từ một quốc gia nghèo sau nhiều năm chiến tranh, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên và đạt được những bước phát triển ấn tượng về kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cho rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, ông Trần Đắc Lợi đề nghị hai bên cần thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy hải sản và du lịch.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam và Ai Cập cần tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, các thiết chế quốc tế để cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Tại hội thảo, các học giả Ai Cập đã đánh giá cao những thành tựu phát phát triển của Việt Nam, cho rằng chính sách đổi mới của Việt Nam là bài học quý giá đối với Ai Cập trong tình hình hiện nay.

Hội thảo về cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác Việt Nam-Ai Cập ảnh 2Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Trần Đắc Lợi chủ trì hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Trường/Vietnam+)

Các đại biểu Ai Cập cũng chia sẻ thông tin về tình hình cũng như các thách thức hiện nay mà đất nước Kim tự tháp đang phải đối mặt. Hội thảo tập trung thảo luận những định hướng và giải pháp để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trong thời gian tới, đặc biệt về kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân để phục vụ cho sự phát triển của mỗi nước, cũng như tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Cairo, ông Trần Đắc Lợi nhấn mạnh: "Việt Nam và Ai Cập có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Với 93 triệu dân, Ai Cập có vai trò rất quan trọng trong khu vực và là một thị trường lớn với thu nhập bình quân đầu người hơn 3.000 USD/năm. Do đó, Ai Cập là một đối tác tiềm năng quan trọng đối với Việt Nam. Trong khi Ai Cập có vị trí quan trọng tại khu vực Bắc Phi-Trung Đông, Việt Nam có vai trò và vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhưng tình hình nước bạn đang dần đi vào ổn định. Ai Cập đang chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, đặc biệt bạn đang thực hiện chính sách hướng Đông, coi trọng quan hệ với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đây là thời cơ để hai nước tăng cường quan hệ cả về chính trị, văn hóa và kinh tế."

Theo ông Trần Đắc Lợi, qua hội thảo này cũng như các cuộc tiếp xúc với các quan chức, giới học giả và người dân Ai Cập, phía bạn có tình cảm và thiện cảm rất sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam, ngưỡng mộ và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị hai nước.

Về phần mình, học giả Mohamed Metwally, cố vấn của Viện nghiên cứu Nasser và Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Truyền thông Al Hewar, chia sẻ: "Ai Cập đang đối mặt với nhiều thách thức, hai trong những thách thức này là đối phó với chủ nghĩa khủng bố và thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ai Cập đang thực thi các cải cách kinh tế và triển khai nhiều dự án hạ tầng, do đó vốn đầu tư là yếu tố rất quan trọng. Ai Cập có chính sách mở cửa đối với tất cả các đối tác, trong đó có Việt Nam, và đẩy mạnh hợp tác thương mại quốc tế."

Học giả Mohamed Metwally cho biết thêm Ai Cập rất ngưỡng mộ đà phát triển kinh tế của Việt Nam với tiến trình phát triển ấn tượng, đồng thời hy vọng Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn trong tương lai.

Cùng ngày 8/5, Đoàn công tác Ban Đối ngoại Trung ương đã có cuộc làm việc với đại diện Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ai Cập và Thứ trưởng Ngoại giao Ai Cập phụ trách khu vực châu Á Yasser Morad. Tại các cuộc gặp, hai bên trao đổi, đánh giá và phân tích tình hình quan hệ Việt Nam-Ai Cập.

Về chính sách hướng Đông, hai bên cho rằng đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên các lĩnh vực đa dạng và hiệu quả hơn. Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới và đẩy mạnh trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân để tăng cường hiểu biết, sự tin cậy và tạo nền tảng chính trị và xã hội cho quan hệ hai nước.

Về kinh tế-thương mại, hai bên quyết tâm nâng cao kim ngạch thương mai hai chiều, đẩy mạnh đầu tư và hợp tác về du lịch và đào tạo. Phía Việt Nam và Ai Cập cũng thống nhất tổ chức hiệu quả kỳ họp thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ai Cập trong thời gian tới, với những nội dung thiết thực để chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao dự kiến diễn ra trong năm nay cũng như tạo bước đột phá trong việc đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Trước đó chiều 4/5, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đảng Cộng sản Ai Cập, Đảng Xã hội Chủ nghĩa Ai Cập, Đảng Liên minh Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ai Cập và một số chính đảng khác. Tại các cuộc gặp, phía bạn rất quan tâm đến tình hình phát triển của Việt Nam, đặc biệt là sự nghiệp đổi mới, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay, những kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và xây dựng Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục