Vốn tín dụng cho hợp tác xã: "Tự bơi" là chính

Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn tín dụng: "Tự bơi" là chính

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gần 2.000 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ 5% số lượng hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn tín dụng: "Tự bơi" là chính ảnh 1(Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gần 2.000 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ 5% số lượng hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Hầu như các hợp tác xã còn lại đều không thể vay vốn hoặc tiếp cận nguồn vốn này vì không có tài sản để tín chấp.

"Tự bơi" với nguồn lực cá nhân

Qua khảo sát của phóng viên, hầu hết các hợp tác xã tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang khát vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật cho các xã viên. Thế nhưng những hợp tác xã này đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề về vốn.

Thông qua các hợp tác xã, chúng tôi được biết nhiều đơn vị khởi đầu bằng nguồn vốn đóng góp của các thành viên. Sau một thời gian phát triển, hợp tác xã có nhu cầu mở rộng quy mô nhưng không thể vay vốn từ bất kỳ ngân hàng thương mại nào hoặc từ ngân hàng nhà nước.

Do đó, thành viên hợp tác xã sử dụng tài sản cá nhân để vay vốn cung cấp cho hợp tác xã tiếp tục hoạt động. Số lượng thành viên tình nguyện này lại không nhiều nên bước tiến kinh tế hợp tác xã cũng chỉ cầm chừng.

Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang thành lập cách đây 10 năm, với vốn điều lệ 300 triệu đồng.

Ông Vu Sủi, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết hiện nay, hợp tác xã thu mua trung bình 2 tấn dứa/ngày từ các thành viên và nông dân bên ngoài để cung cấp cho các cơ sở chế biến trong tỉnh. Thế nhưng, mỗi khi cần vốn cho chế biến sản phẩm từ dứa, các thành viên sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ để đi vay vốn cho hợp tác xã. Riêng Hợp tác xã Thạnh Thắng không có tài sản gì để thế chấp, vay vốn.

Cùng cảnh ngộ với Hợp tác xã Thạnh Thắng, Hợp tác xã cây giống và hoa kiểng Cái Mơn , huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được thành lập từ năm 1996 với 53 cổ phần, trị giá 500.000 đồng/cổ phần. Đến năm 2009 mới tăng lên 1 triệu đồng/cổ phần và số thành viên tăng lên 70.

Ông Dương Văn Huyền, Giám đốc Hợp tác xã cây giống và hoa kiểng Cái Mơn cho biết, hợp tác xã hỗ trợ cho các xã viên kĩ thuật ghép cây, lai tạo giống mới và tìm đầu ra cho cây giống của các thành viên trong hợp tác xã.

Hợp tác xã đã cung cấp hàng triệu cây giống cho cả nước nhưng đến mảnh đất để xây dựng trụ sở cũng không có. Vì vậy, trước đây các thành viên thay nhau cho mượn đất để làm văn phòng giao dịch.

Còn hiện nay, hợp tác xã phải thuê đất để làm văn phòng, được một thời gian lại di chuyển địa điểm, khó tạo lòng tin để khách hàng ký kết những hợp đồng lớn.

Hợp tác xã thủy sản Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được thành lập năm 2010, hồi đó, các xã viên cùng nhau nuôi cá tra phục vụ cho xuất khẩu. Thế nhưng lúc này giá cá nguyên liệu xuống thấp, các nông dân thua lỗ mà bản thân hợp tác xã cũng không có tài sản để thế chấp, vay vốn ngân hàng hỗ trợ cho xã viên tiếp tục sản xuất. Do đó hợp tác xã này đã ngừng hoạt động, các xã viên thì mạnh ai nấy làm, tự tìm đầu ra.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tiền Giang, cho biết hiện dư nợ cho hợp tác xã vay khoảng 10 tỷ đồng, nhưng một số hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô nhỏ hoặc thiếu vốn, cơ sở vật chất hạn chế nên khó tiếp cận nguồn vốn vay này.

Mặt khác, do khâu hạch toán sổ sách, báo cáo thuế chưa đúng quy định, không có tài sản thế chấp nên các hợp tác xã này không tiếp cận vốn được.

Cần tín chấp mới tiếp cận được vốn

Trước vấn đề các hợp tác xã có nhu cầu vốn nhưng lại gặp nhiều khó khăn này, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, phát triển hợp tác xã sản xuất là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, hiện nay các hợp tác xã hoạt động cầm chừng còn khá nhiều trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tập trung nâng chất lượng cho các hợp tác xã này. Do đó, để nguồn quỹ của tỉnh đầu tư cho các hợp tác xã thì bản thân các hợp tác xã phải có phương án sản xuất kinh doanh mang tính thực tiễn, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm.

“Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng phải tập trung củng cố kiện toàn lại bộ máy điều hành, khâu nhân sự, đảm bảo quản lý điều hành đúng quy định nhất là khâu hạch toán kế toán xây dựng phương thức kinh doanh hiệu quả và để tiếp cận thì tỉnh phải có chính sách bảo lãnh tín dụng hoặc cho vay tín chấp, bản thân mấy anh này không có tài sản thế chấp rồi,” ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tiền Giang, chia sẻ.

Đơn cử, Hợp tác xã Bình Tây, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang là đơn vị hoạt động khá hiệu quả trong nhiều năm qua. Hơn nữa, hợp tác xã này có quỹ đất riêng để xây dựng văn phòng, sản xuất lúa giống cũng như xây dựng các gian hàng cho thuê, nâng cao doanh thu hàng năm cho hợp tác xã. Do đó, hợp tác xã này khá thuận lợi trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Tây, cho biết hợp tác xã có hơn 1000 thành viên, quỹ đất hơn 500ha; trong đó 250ha sản xuất lúa giống, diện tích còn lại dùng để xây nhà trọ cho thuê, trạm cấp nước cho 2.000 hộ dân trong huyện.

Ngoài ra, hợp tác xã cũng sản xuất và kinh doanh nấm bào ngư, dịch vụ sấy lúa, cuốn rơm...

Vì hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hiệu quả như vậy, cùng với tài sản là quỹ đất nên hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của Quỹ phát triển Tiền Giang.

Hợp tác xã đã vay 2,2 tỷ đồng xây dựng 43 căn nhà trọ cho thuê trong năm 2015. Sau khi khấu trừ tiền vốn, trả lãi ngân hàng, lợi nhuận thu được là 50 triệu đồng, số tiền này được sử dụng tái sản xuất và chia lợi nhuận cho các thành viên.

Ông Lê Thanh Tiến, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang cho biết, theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55), đối với ngành nông nghiệp nông thôn thì có thể cho vay dưới hình thức không đảm bảo tài sản.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại phải giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận của địa phương, ủy ban nhân dân xã là đất không có tranh chấp nhằm mục đích để người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức sản xuất và trả nợ.

Nghị định số 55 được ban hành thay cho Nghị định 41/2010/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn được đánh giá là chiếc phao cứu sinh cho nền nông nghiệp.

Tuy nhiên do rào cản, tài sản bảo đảm và niềm tin tín dụng mà các hợp tác xã nông nghiệp chưa thể với tới được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Cơn khát vốn vẫn kéo dài thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã này hẳn còn gian nan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục