Hy Lạp chịu sức ép về một thỏa thuận giải ngân mà không được giảm nợ

Hy Lạp đang chịu sức ép phải chấp nhận một thỏa thuận giải ngân khoản cho vay cứu trợ mới mà không nhận được cam kết giảm nợ để có thể thanh toán số nợ lớn và tránh lâm vào cuộc khủng hoảng mới.
Hy Lạp chịu sức ép về một thỏa thuận giải ngân mà không được giảm nợ ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (trái) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 22/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hy Lạp đang chịu sức ép phải chấp nhận một thỏa thuận giải ngân khoản cho vay cứu trợ mới mà không nhận được cam kết giảm nợ để có thể thanh toán số nợ lớn và tránh lâm vào một cuộc khủng hoảng mới trong mùa Hè này.

Sau nhiều tháng bất đồng, các chủ nợ của Hy Lạp là Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tiến tới khơi thông bế tắc tại cuộc họp của Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) ở Luxembourg ngày 15/6.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble, quan chức có ảnh hưởng nhất trong khu vực, các bên sẽ nỗ lực đạt mục tiêu đó tại cuộc họp này.

Tuy nhiên, Hy Lạp khẳng định sẽ phủ quyết một thỏa thuận như vậy, không đồng tình với việc giải ngân khoản cho vay mới từ gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) có thể không đi kèm với cam kết giảm nợ.

[Eurozone không nhất trí được về thỏa thuận nợ cho Hy Lạp]

Một nguồn tin từ Chính phủ Hy Lạp cho biết, các bên còn xa mới đi đến nhất trí về một giải pháp tại cuộc họp của Eurogroup, do Đức không có bất kỳ bước đi nào.

Bất đồng gay gắt giữa Đức và IMF đã làm đình trệ việc giải ngân khoản cho vay cứu trợ mới để Hy Lạp có thể thanh toán số nợ 7 tỷ euro đến hạn vào tháng Bảy tới.

Đức là nước lâu nay vẫn phản đối việc đưa ra cam kết mới về giảm nợ cho Hy Lạp, cho rằng nước này phải cắt giảm ngân sách và cải cách. Trong khi đó, IMF kiên quyết yêu cầu rằng cam kết giảm nợ phải là một phần của thỏa thuận.

Tuy nhiên, trong một bước đột phá lớn, trong tháng này, IMF đã nhất trí tham gia thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp, trong khi tạm gác vấn đề nợ, dù Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trước đó đã thông qua một loạt các cải cách để đổi lấy cam kết giảm nợ.

Để tạo sự hài hòa trong vấn đề nợ, Pháp đã đề nghị các đối tác trong Eurozone đưa ra cam kết giảm nợ cho Hy Lạp gắn với tăng trưởng kinh tế của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục