Hy Lạp có đủ bản lĩnh để vượt qua các biện pháp cải cách khắc khổ?

Kinh tế Hy Lạp đã kiệt quệ và người dân đã chịu cảnh khốn khó suốt 5 năm qua do các chính sách chi tiêu thắt chặt của chính phủ để đổi lấy 2 gói cứu trợ quốc tế trước đó với tổng trị giá 240 tỷ euro.
Hy Lạp có đủ bản lĩnh để vượt qua các biện pháp cải cách khắc khổ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Cuối cùng, Hy Lạp cũng đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ quốc tế thứ ba trị giá 85 tỷ euro.

Đây là kết quả của hai tuần lễ thương lượng gay go với các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ chế bình ổn châu Âu.

Thỏa thuận này còn phải chờ Quốc hội Hy Lạp thông qua và được các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) chấp thuận mới chính thức có hiệu lực. Với thỏa thuận trên, cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp có thể coi là đã tìm được lối thoát và hiện Athens đang chờ đợt giải ngân mới, trước mắt có thể là 10 tỷ euro, để trả nợ và tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, thời gian sắp tới mới là giai đoạn cam go và đầy thử thách đối với chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras khi mà Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp cải cách khắc khổ mới theo đúng cam kết với các chủ nợ quốc tế.

Kinh tế Hy Lạp đã kiệt quệ và người dân đã chịu cảnh khốn khó suốt 5 năm qua do các chính sách chi tiêu thắt chặt của chính phủ để đổi lấy 2 gói cứu trợ quốc tế trước đó với tổng trị giá 240 tỷ euro. Lần này, những đòi hỏi của các chủ nợ còn khắc nghiệt hơn, nhưng Chính phủ Hy Lạp không còn sự lựa chọn nào khác. Với họ, đây là một cái kết sáng hơn viễn cảnh rời khỏi Eurozone, bất chấp đa số người dân Hy Lạp nói "không" với các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" mới trong cuộc trưng cầu dân ý hồi đầu tháng 7 vừa qua. Lúc này, bất cứ quyết định nào làm ảnh hưởng đến những người nông dân - nhóm có ảnh hưởng lớn ở Hy Lạp, sẽ mang lại rủi ro chính trị cho ông Tsipras.

Thủ tướng Hy Lạp còn phải đối mặt với nhiều sức ép từ chính các thành viên trong đảng cánh tả Syriza của ông, những người nói rằng thỏa thuận mới sẽ làm chồng chất thêm các biện pháp khắc khổ trong nền kinh tế vốn đã yếu kém và đi ngược các cam kết của đảng Syriza đưa ra hồi tranh cử.

Trước mắt, Hy Lạp phải thông qua luật ngân sách bổ sung trong thời gian còn lại của năm nay và đưa ra chiến lược tài khóa trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mức thâm hụt ngân sách cơ bản chỉ ở mức 0,25% GDP năm 2015, đạt thăng dư ngân sách ở mức 0,5% trong năm 2016, sau đó tăng lên 1,75% năm 2017 và lên 3,5% vào năm 2018. Để có thêm nguồn lực tài chính, Athens phải thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng, thậm chí có phần khắc nghiệt trong lĩnh vực lương hưu, chính sách thuế, năng lượng, thị trường bán lẻ, giao thông vận tải, thị trường lao động và khu vực tài chính. Bên cạnh đó, Hy Lạp còn phải bán bớt khối tài sản ước tính trị giá hơn 50 tỷ euro theo quy trình nhằm trả lại tiền cứu trợ và giúp tái cấp vốn hệ thống ngân hàng.

Giới phân tích cho rằng khủng hoảng nợ Hy Lạp kéo dài nhiều năm qua đã gây ra những tổn thất về nền tảng đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này. Do đó, các vấn đề cốt lõi đối với Hy Lạp sẽ chưa thể được xóa bỏ trong “một sớm một chiều."

Việc Hy Lạp và các chủ nợ đạt được thỏa thuận cứu trợ chỉ là bước khởi đầu. Hoạt động kiểm soát vốn có thể vẫn được Hy Lạp duy trì và các biện pháp chi tiêu khắc khổ mới có thể tác động tiêu cực thêm tới nền kinh tế vốn đã rất mong manh của Hy Lạp ít nhất là trong ngắn hạn.

Gói cứu trợ mới cho Hy Lạp sẽ từng bước được giải ngân trong 3 năm tới. IMF nhận định trước những nguy cơ kinh tế lớn mà Hy Lạp đang phải đối mặt, chắc chắn gói cứu trợ 85 tỷ euro lần này là không đủ để đưa Hy Lạp ra khỏi cơn khủng hoảng tài chính. Theo IMF, trong vòng 10 năm tới, gánh nợ công Athens đang “vác trên vai” sẽ trở nên nặng nề hơn nhiều. Dự báo, năm 2016, nợ công của Hy Lạp sẽ tăng vọt lên ngưỡng 200% GDP so với dự báo 177% trước đó. Đến năm 2022, nợ công của nước này sẽ vẫn ở mức cao 170% GDP. IMF cho rằng các nước châu Âu cần phải kéo dài thời hạn trả nợ cho Hy Lạp hoặc xóa một phần nợ của nước này.

Việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone là rất tốn kém và chứa đựng nhiều rủi ro. Nhiều nước châu Âu không chấp nhận lấy thêm tiền đóng thuế của người dân để “hào phóng” với Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rằng họ phải "mạnh tay" hơn đối với một quốc gia mà họ biết rõ những điểm yếu như quan liêu, tham nhũng, trong khi nền kinh tế khép kín chỉ quanh quẩn trong lĩnh vực công kém hiệu quả. Đã đến lúc Hy Lạp phải tự đứng trên đôi chân của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục