Italy triệu hồi Đại sứ tại Ai Cập để phản đối vụ sinh viên bị giết

Italy triệu hồi Đại sứ tại Ai Cập để phản đối vụ sinh viên bị giết hại

Italy đã triệu hồi Đại sứ nước này ở Ai Cập về nước để phản đối Cairo về những điểm không rõ ràng trong điều tra về cái chết của một nghiên cứu sinh Italy tại Ai Cập.
Italy triệu hồi Đại sứ tại Ai Cập để phản đối vụ sinh viên bị giết hại ảnh 1Biểu tình tại Rome yêu cầu điều tra về cái chết của Giulio Regeni. (Nguồn: Redux)

Ngày 8/4, Chính phủ Italy đã triệu hồi Đại sứ nước này ở Ai Cập về nước để phản đối Chính phủ Cairo về hàng loạt những điểm không rõ ràng trong điều tra về cái chết của một nghiên cứu sinh Italy tại Ai Cập hồi tháng 2, một sự cố đang làm cho quan hệ hai nước trở nên xấu đi.

Quyết định triệu hồi được đưa ra sau khi các cuộc gặp tại Rome giữa các nhà điều tra hai nước kết thúc mà không có được bước đột phá nào trong việc tìm ra nguyên nhân và thủ phạm dẫn đến cái chết của Giulio Regeni, một sinh viên Italy đang thực hiện các nghiên cứu về hoạt động công đoàn ở Ai Cập.

Regeni mất tích ngày 25/1 và xác của nghiên cứu sinh 28 tuổi này được tìm thấy vào ngày 3/2 ở ngoại ô Cairo, với những dấu hiệu cho thấy đã bị tra tấn dã man cho đến chết.

Việc triệu hồi Đại sứ Italy tại Ai Cập về nước là hành động mạnh mẽ nhất từ phía Italy kể từ khi hai bên cùng thực hiện các cuộc điều tra song song về vụ án mạng này.

Italy đã yêu cầu Ai Cập phối hợp chặt chẽ để tìm ra thủ phạm, đồng thời đòi hỏi phía Ai Cập cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến vụ án này.

Tuy nhiên, giới chức Italy đã hết sức bất bình, cho rằng các thông tin mà Ai Cập cung cấp tại cuộc họp ở Rome trong hai ngày 7-8/4 là "không hoàn chỉnh," "sơ sài" và "thiếu logic."

Phía Ai Cập cũng không cung cấp các chi tiết về cuộc gọi và nội dung nhắn tin lưu trong điện thoại di động của Regeni và chỉ chuyển cho phía Italy một tài liệu mỏng, thay vì 2.000 trang như họ đã hứa ban đầu.

Phần nội dung liên quan tới nguyên nhân cái chết cũng bị thay đổi liên tục, ban đầu là tai nạn giao thông, sau đó là bị cướp tấn công..., khiến giới chức và dư luận Italy phẫn nộ.

Trong khi đó, nhật báo hàng đầu Italy La Repubblica vài ngày trước đã đăng tải tiết lộ từ một nguồn tin giấu tên ở Ai Cập cho hay rằng Regeni đã bị cảnh sát theo dõi trong một thời gian dài, sau đó bắt giữ theo lệnh của tướng Khaled Shalabi, người đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự và điều tra của quận Giza, Ai Cập.

Vụ bắt giữ liên quan tới những nghiên cứu khảo sát về hoạt động công đoàn của Ai Cập mà anh Regeni đang tiến hành.

Cũng theo bài báo, có thể Regeni đã bị cảnh sát Ai Cập bắt giữ và tra tấn vì nghi là nhân viên tình báo Italy.

Hiện phía Ai Cập chưa có phản ứng gì về động thái mới của chính quyền Italy - một trong những đồng minh phương Tây thân cận nhất của Ai Cập, là đối tác thương mại lớn nhất của Cairo ở châu Âu và là bạn hàng lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ.

Báo chí Italy không loại trừ khả năng Chính phủ Rome sẽ có những biện pháp mạnh hơn nữa về chính trị và kinh tế nhằm có được sự thật về cái chết của Regeni./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục