Italy: Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Renzi giảm 20% kể từ tháng 6

Theo các số liệu thống kê vừa công bố của Demos, uy tín của Thủ tướng Italy Matteo Renzi đến giữa tháng 11 chỉ còn 52%, thấp hơn tháng trước 10% và thấp hơn tháng 6 hơn 20%.
Italy: Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Renzi giảm 20% kể từ tháng 6 ảnh 1 Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo các số liệu thống kê công bố hôm 16/11 của Demos, một trong những viện nghiên cứu dư luận và phân tích chính trị uy tín nhất Italy, uy tín của Thủ tướng Italy Matteo Renzi đến giữa tháng 11 chỉ còn 52%, thấp hơn tháng trước 10% và thấp hơn tháng 6 hơn 20%.

Uy tín của Chính phủ Italy, đạt mức kỷ lục 69% trong tháng Sáu sau khi đảng Dân chủ (Pd) của ông Renzi giành thắng lợi ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nay đã tụt xuống chỉ còn 43%, thấp hơn cả khi chính phủ mới được thành lập vào cuối tháng 2/2014.

Trong khi đó, bản thân Pd, hiện là đảng lớn nhất ở Italy, cũng chỉ còn giành được 36,3% sự ủng hộ của cử tri, thấp hơn tháng trước 5%.

Theo nhật báo cánh tả La Repubblica, mặc dù tỷ lệ cử tri ủng hộ Thủ tướng Renzi, Chính phủ và đảng Pd vẫn cao, nhưng những người đứng về phía họ đã giảm xuống đáng kể sau khi chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các quyết sách quan trọng mà họ theo đuổi.

Tờ báo trên cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho uy tín của Thủ tướng Renzi xuống thấp là do những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa chính phủ và CGIL, nghiệp đoàn lao động lớn nhất đất nước, cũng như các bất đồng nội bộ trong đảng Pd liên quan đến gói cải cách lao động, trong đó có việc sửa đổi điều 18 của Luật lao động.

Chính phủ muốn nới lỏng việc cho phép các doanh nghiệp dễ dàng sa thải người lao động hơn, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng kinh tế và thu nạp thêm các lao động mới, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, một thiểu số trong đảng Pd và các nghiệp đoàn lao động chống lại điều này. Các điều tra dư luận của Demos vào đầu tháng 10, trước khi các mâu thuẫn nổ ra dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình và bãi công trên toàn quốc do các nghiệp đoàn phát động, cho thấy uy tín của ông Renzi, Pd và Chính phủ vẫn còn cao. Tuy nhiên, các kết quả điều tra tiến hành sau đó của Demos và nhiều viện nghiên cứu dư luận độc lập khác cho thấy uy tín của họ bắt đầu giảm.

Việc bất đồng quan điểm giữa Thủ tướng Renzi và đảng trung tả Pd với các nghiệp đoàn vốn là một lực lượng được các đảng cánh tả ủng hộ đã tạo điều kiện cho các lực lượng cánh hữu bảo thủ giành được thêm cử tri.

Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Liên minh Phương Bắc, nổi tiếng với xu hướng bài ngoại, đã tăng uy tín cá nhân 8% trong vòng một tháng, đạt 30% sự ủng hộ của cử tri.

Đảng này đã liên tục tăng tỷ lệ ủng hộ từ 4,7% hồi tháng 6/2014 lên 10,8% vào thời điểm hiện tại, trở thành chính đảng lớn thứ 4 ở Italy, sau Phong trào 5 Sao (M5S), nay đã tụt xuống dưới mức 20%, và đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, hiện đạt 16,2%, tăng 0,6% so với tháng trước.

Mặc dù vậy, theo La Repubblica, sự gia tăng ủng hộ đối với Lega Nord và Forza Italia chưa đủ để gây áp lực lên Pd, vốn đã thu hút được sự ủng hộ đông đảo của cử tri trong những tháng trước, do thúc đẩy các quyết sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi khó khăn.

Theo La Repubblica, tháng tới sẽ còn khó khăn hơn nhiều cho ông Renzi, Chính phủ và đảng Pd. Chính phủ đã không loại trừ khả năng sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện để thúc đẩy cải cách lao động, nhưng có thể sẽ lại vấp phải những phản ứng mới liên quan đến dự luật Ngân sách 2014, dự định sẽ được đưa ra Quốc hội đầu tháng 12/2014.

Những cắt giảm tiếp theo trong giáo dục, hành chính công và các khu vực phúc lợi có thể sẽ tiếp tục dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ xã hội và cử tri./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục