Kinh tế Mỹ và Trung Quốc kém lạc quan khiến đồng USD xuống giá

Trong phiên giao dịch ngày 5/1, đồng USD tiếp tục đi xuống so với đồng yen, sau khi rớt giá mạnh vào phiên trước đó do những lo ngại về đà tăng trưởng mong manh của kinh tế thế giới.
Kinh tế Mỹ và Trung Quốc kém lạc quan khiến đồng USD xuống giá ảnh 1Đồng USD. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Trong phiên giao dịch ngày 5/1 tại thị trường châu Á, đồng USD tiếp tục đi xuống so với đồng yen, sau khi rớt giá mạnh vào phiên trước đó do những lo ngại về đà tăng trưởng mong manh của kinh tế thế giới, giữa bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc vừa tiếp nhận các số liệu kém lạc quan.

Tuy nhiên, biên độ giảm của đồng bạc xanh đã được thu hẹp.

Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều, tại thị trường Tokyo, đồng USD giao dịch ở mức 119,34 yen/USD, giảm so với mức tương ứng 119,42 yen/USD ghi nhận trong phiên giao dịch trước (4/1) tại thị trường New York.

USD cũng mất giá so với các đồng tiền mới nổi thuộc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương như rupiah của Indonesia, ringgit của Malaysia và won của Hàn Quốc.

Trong khi đó, đồng nội tệ Mỹ lại đi lên so với đồng euro, khi tăng từ mức 1,0833 USD/euro lên 1,0813 USD/euro.

Hoạt động sản xuất tháng 12/2015 của các nhà máy và công xưởng ở Trung Quốc tiếp tục giảm sút và là tháng suy giảm thứ 10 liên tiếp.

Chỉ số Caixin/Markit PMI (nhà quản lý mua hàng) trong lĩnh vực chế tạo ở Trung Quốc tháng 12/2015 giảm xuống 48,2 (điểm), thấp hơn so với mức 49 theo dự báo của thị trường. Con số đó là thấp hơn so với 48,6 của tháng 11/2015 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2015.

Trong khi đó, hoạt động chế tạo của Mỹ trong cùng tháng cũng sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp khi Chỉ số mà Viện quản lý nguồn cung đưa ra giảm từ 48,6 xuống 48,2 và vẫn nằm dưới mức 50 - ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Các số liệu đáng thất vọng trên khiến giới đầu tư càng hoài nghi về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, giữa bối cảnh tình hình căng thẳng tại Trung Đông lại leo thang do quan hệ xấu đi giữa Saudi Arabia và Iran.

Trong khi đó, sự sụt giảm của đồng tiền chung châu Âu trong phiên này so với cả đồng USD và đồng yen Nhật Bản được cho là bắt nguồn từ việc Đức vừa công bố tỷ lệ lạm phát thấp ngoài dự kiến trong tháng 12/2015, làm dấy lên lo ngại Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục