Nghiên cứu khoa học về biển - Tình yêu và trách nhiệm

Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý cho rằng việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về biển góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Nghiên cứu khoa học về biển - Tình yêu và trách nhiệm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3000 km, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, với vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế đa ngành, đa mục tiêu, đẩy mạnh giao thương hàng hải trong nước và quốc tế.

Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã khẳng định: Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Để đạt được mục tiêu này, từng người dân Việt Nam đã và đang ngày đêm hướng về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, bằng tình cảm, trách nhiệm và những hành động cụ thể, thiết thực.

Lăn lộn với ngành nghiên cứu biển đã nhiều năm, Tiến sỹ Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng những người làm khoa học cần ý thức và thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp nghiên cứu đại dương, nhằm đưa ra những đề tài nghiên cứu có giá trị cao, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo quê hương.


Lênh đênh cùng sóng biển

Thành lập từ năm 1993, Viện Địa chất và Địa vật lý biển được coi là một trong những đơn vị nghiên cứu khoa học biển cơ bản nhất của Việt Nam. Với đông đảo đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, có thâm niên và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu đại dương, Viện đã được Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước quan trọng và một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Cụ thể là nghiên cứu môi trường địa chất và các loại tai biến tự nhiên góp phần bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai; nghiên cứu địa động lực và cấu trúc sâu vỏ trái đất phục vụ tìm kiếm khoáng sản và xây dựng các công trình biển; nghiên cứu các trường địa vật lý phục vụ an ninh quốc phòng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo; ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS (hệ thông tin địa lý) để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên và năng lượng biển, cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập qui hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế biển…

Tiến sỹ Phùng Văn Phách chia sẻ: “Trong những năm qua, Viện đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát biển trong lĩnh vực: Địa chất, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, vật lý hải dương (dòng chảy, sóng, thủy triều…) và môi trường biển. Để thực hiện các nghiên cứu này, các nhà khoa học phải lênh đênh trên biển có khi cả tháng. Đối với những người đã thực hiện vài chuyến đi biển thì không ngại nhưng với những nhà khoa học trẻ, chưa có kiến thức về biển và kỹ năng đi biển tối thiểu thì đây quả là thách thức lớn.” Cũng đã một vài lần đoàn công tác của các nhà khoa học gặp nạn và phải nhờ sự trợ giúp của lực lượng hải quân, cảnh sát biển.

Điển hình là ngày 9/4 vừa qua, đoàn khảo sát của Viện thuê tàu cá của ngư dân tiến hành nghiên cứu về châu thổ sông Cửu Long ở khu vực cách phía Tây Nam cửa biển Định An, tỉnh Bạc Lieu, 30 hải lý thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Rất may mắn, đoàn đã được lực lượng cảnh sát biển Vùng 3 và các đơn vị chức năng địa phương cứu hộ an toàn.

Tiến sỹ Phách cho biết trước tình hình nguy cấp, các nhà khoa học trong đoàn đã bình tĩnh xử lý tình huống, vừa tích cực chủ động chữa cháy, vừa chuẩn bị cho phương án xấu nhất có thể xảy ra là tàu chìm, đồng thời cử một bộ phận lo việc gọi điện đến các địa chỉ cần thiết để xin cấp cứu.

Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo Viện, sự tích cực của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các đơn vị của Bộ Quốc phòng, tính mạng của các cán bộ Viện và các thuyền viên đã được an toàn. Chuyến khảo sát vẫn tiếp tục được tiến hành và đã thu được những kết quả như mong đợi.

Là đơn vị chủ công trong nghiên cứu địa chất, địa vật lý, tài nguyên, khoáng sản và môi trường biển, các nhà khoa học của Viện Địa chất và Địa vật lý biển luôn xác định được trách nhiệm của mình trước đất nước và nhân dân, luôn bám sát các nhiệm cụ trọng tâm, tiếp tục bám biển, thực hiện những đề án, đề tài về biển, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác và cố gắng vươn ra ngoài khơi xa.

Tiến sỹ Phách khẳng định: “Dù khó khăn đến mấy, người làm khoa học phải có trách nhiệm trong việc triển khai nghiên cứu khoa học đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, từ đó đưa ra những công bố có chất lượng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, xuất bản trên các ấn phẩm quốc tế nhằm góp phần giữ vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.”


Để Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển

Tiến sỹ Phùng Văn Phách cho rằng, để Việt Nam mạnh về biển và giàu từ biển như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đất nước cần tạo được “thương hiệu biển” với các “sản phẩm biển” có tính cạnh tranh cao và đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển là rất cần thiết, trước tiên là giúp các nhà khoa học Việt Nam nhanh chóng tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, học hỏi được kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức các công việc nghiên cứu trên biển, thu nhận các tư liệu, thông tin quan trọng do các đối tác nước ngoài cung cấp thông qua hợp tác.

Hơn nữa hợp tác quốc tế cũng đồng thời góp phần làm lành mạnh các mối quan hệ phức tạp và căng thẳng trên Biển Đông, giúp Việt Nam tỏ rõ thiện chí của mình trong quá trình hội nhập toàn cầu, góp phần hiện thực hóa các qui định, thỏa thuận và luật pháp quốc tế về biển.

Đặc biệt, trước tình hình phức tạp ở biển Đông hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động, sáng tạo trong tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu về biển của thế giới và khu vực. Đồng thời, Việt Nam cần tạo ra được một trật tự pháp lý trên vùng biển quốc gia để lập lại kỷ cương trong hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo, đồng thời phải hỗ trợ khả năng hội nhập quốc tế phù hợp với tinh thần chung của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong những năm qua, Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã tham gia hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển với nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Kết quả các chương trình hợp tác này đã tạo nên một cơ sở dữ liệu thực tế phong phú về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.

Với kinh nghiệm của nhà khoa học từng có nhiều chuyến đi biển, hợp tác cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc tế, Tiến sỹ Phùng Văn Phách nhận định: “ Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu biển Đông đã và đang là yêu cầu thực tiễn cấp bách đối với Việt Nam. Chúng ta cần tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm từ các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời có được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước.”

Hoạt động hợp tác quốc tế không những góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển, mà còn thể hiện trách nhiệm đối với các công ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc phê chuẩn. Trong đó, trao đổi thông tin là việc không thể thiếu. Hợp tác quốc tế không thể có hiệu quả cao khi chưa có định hướng chiến lược trong nghiên cứu và lựa chọn đối tác. Các diễn đàn quốc tế, các tổ chức khoa học của các nước trong nghiên cứu biển ngày càng đa dạng và mang tính quốc tế cao, chúng ta cần kịp thời tiếp cận và chủ động tham gia.

Mặt khác, để tổ chức tốt hợp tác quốc tế, năng lực xây dựng dự án của các nhà khoa học Việt Nam, sự hợp tác giữa các cơ quan và tổ chức trong nước trong việc xây dựng và thực hiện dự án cũng cần phải được cải thiện.

Ngoài ra, sự liên kết giữa các chương trình quốc gia với các dự án quốc tế sẽ không chỉ tăng thêm tính thuyết phục trong xây dựng và phê duyệt đề án, mà còn giảm thiểu sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực và trên hết là đảm bảo cho việc tránh sự tụt hậu so với khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục