Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của dân

Các địa phương trong cả nước tiếp tục triển khai tổ chức lấy ý kiến của nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 24/1, các địa phương trong cả nước tiếp tục triển khai tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự hội nghị có đông đảo thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; thành viên Ban đại diện Phật giáo 11 huyện, thị, thành phố; trụ trì các tu viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường; tăng ni, phật tử tiêu biểu trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý sâu về quyền và nghĩa vụ của công dân, nhất là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Một số ý kiến cho rằng trong Chương 1, điều 25 có nội dung "Nước Cộng hòa xã hội Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam" nên sửa lại lại là "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc...".

Có đại biểu đóng góp ý kiến trong Chương II, điều 25, nội dung "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào..." nên điều chỉnh lại là "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo..." bởi hai phạm trù tín ngưỡng và tôn giáo là khác nhau...

Hòa thượng Thích Thiện Sanh - Phó Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Khánh Sơn cho biết việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện tinh thần dân chủ của Đảng, Quốc hội, Nhà nước để mọi người dân có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến vào các vấn đề của quốc gia đối với từng điều khoản cụ thể. Đồng thời, có tác dụng phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng, tôn trọng, thi hành Hiến pháp… Ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tập hợp đầy đủ và gửi về Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân để nhằm hoàn thiện dự thảo.

Tỉnh Bình Định cũng triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Từ nay đến trước ngày 28/2, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp của toàn dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngoài các hình thức góp ý trực tiếp cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội, tỉnh Bình Định mở hộp thư điện tử tại địa chỉ sotuphap@stp.binhdinh.gov.vn và chuyên mục lấy ý kiến nhân dân trên website của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định (binhdinh.gov.vn) cũng như tiếp nhận ý kiến góp ý bằng các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp khác.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc giao thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan, đơn vị mình.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân với những hình thức phù hợp và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của địa phương; các cơ quan báo chí tại Bình Định mở các chuyên trang, chuyên mục và tổ chức các hoạt động tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Hội Luật gia, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện các hoạt động lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với lực lượng nhân sỹ, trí thức, luật sư, luật gia, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức tôn giáo... trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải triển khai phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất để quá trình góp ý và các ý kiến góp ý đạt chất lượng, hiệu quả; các báo cáo tổng kết góp ý gửi về Sở Tư pháp tỉnh Bình Định trước ngày 28/2.

Tại Thanh Hóa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới các tổ chức thành viên của Mặt trận, các ngành liên quan.

Ông Trịnh Ngọc Giao, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết ngoài việc lấy ý kiến của nhân dân theo hình thức hội nghị, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp và bằng văn bản của các tầng lớp nhân dân để tổng hợp chung.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tổ chức hội nghị để lấy ý kiến của các tổ chức thành viên, các nhân sỹ, trí thức, luật gia, các chức sắc tôn giáo... và lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận và ủy viên ủy ban Mặt trận.

Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được các thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tiến hành bằng các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia sửa đổi Hiến pháp đồng thời tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm theo đúng phương thức tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Việc lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp, bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Các đơn vị thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức lấy ý kiến về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung góp ý sâu và các nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành, thị trong tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn.

Nội dung lấy ý kiến bao gồm lấy ý kiến về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi trách nhiệm, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm để tham gia ý kiến vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo theo đúng chủ trương, yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, kế hoạch của Chính phủ với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992; việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục