Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác bầu cử tại Điện Biên

Đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận tám hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, 90 hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác bầu cử tại Điện Biên ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 14/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Điện Biên, kiểm tra tình hình triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nghe và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Điện Biên về công tác bầu cử và các lĩnh vực khác.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã báo cáo với Đoàn công tác khái quát về kết quả năm 2015 và ba tháng đầu năm 2016; tình hình triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị của Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác bầu cử; thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử cấp tỉnh gồm 16 thành viên; ban hành Quyết định thành lập hai Ban bầu cử đại biểu Quốc hội tại hai đơn vị bầu cử và thành lập 13 Ban bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh tại 13 đơn vị bầu cử.

Đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận tám hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, 90 hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Ủy ban bầu cử tỉnh Điện Biên đã ban hành thông báo về điều chỉnh, bổ sung cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm 10 người, trong đó có một nam người dân tộc Kinh, ba nam người dân tộc H'Mông, ba nữ người dân tộc Thái và ba nữ người dân tộc Khơ Mú là người ngoài Đảng.

Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Trên cơ sở kết quả hiệp thương, Thưởng trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đã điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử. Theo đó, tỉnh Điện Biên được bầu 51 đại biểu, dự kiến giới thiệu 91 người ứng cử. Đến thời điểm này, Điện Biên không có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Tỉnh Điện Biên cũng nêu số kiến nghị như: đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên số lượng bốn Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021; Chính phủ quan tâm sớm cấp bổ sung kinh phí cho tỉnh thực hiện công tác bầu cử; đề nghị bổ sung biên chế hành chính để thực hiện bố trí đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách.

Thay mặt Đoàn công tác, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tính tích cực, chủ động của tỉnh Điện Biên trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỷ 2016-2021.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính sớm bổ sung ngân sách cho tỉnh Điện Biên thực hiện công tác bầu cử, trong khi chưa kịp cấp thì tỉnh cần chủ động ứng trước để thực hiện. Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban bầu cử tỉnh cần làm tốt một số nhiệm vụ như sớm hoàn tất hồ sơ, lập danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử; tổ chức tốt công tác lấy ý kiến của nhân dân, quan tâm công tác rà soát tư cách người ứng cử theo thời gian luật định; đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền về bầu cử bằng các phương pháp dễ hiểu, gần gũi với nhân dân; lưu ý đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử, nhất là tại các địa bàn biên giới như huyện Mường Nhé, không để tình hình phức tạp xảy ra.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng tỉnh Điện Biên sẽ đi đầu trong thực hiện công tác bầu cử tại các tỉnh phía Bắc, bầu đúng, bầu đủ với số lượng cử tri đi bầu cử cao nhất để nêu gương cho khu vực Tây Bắc và cho cả nước.

Về kiến nghị của tỉnh Điện Biên trong một số nội dung khác, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thu ý kiến của đại diện các bộ, ngành tham gia Đoàn công tác; đề nghị tỉnh Điện Biên cần xây dựng lộ trình, hướng đi chắc chắn, không nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ, đi sau các địa phương khác.

Trước mắt, cần xem xét hiệu quả đầu tư, tiết kiệm ngân sách, không để tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài qua nhiều năm; chú trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí để đưa Điện Biên sớm trở thành tỉnh có tốc độ phát triển ngang bằng với khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục