Thủ tướng Anh: G7 là cơ hội để rút ra bài học từ đại dịch COVID-19

Ông Johnson nêu rõ: "Chúng ta cần đảm bảo rằng khi chúng ta phục hồi, chúng ta sẽ tăng tốc và xây dựng lại tốt hơn. Chúng ta có cơ hội rất lớn để làm điều đó với tư cách là G7."
Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh G7. (Nguồn: theguardian)
Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh G7. (Nguồn: theguardian)

Tối 11/6 (giờ Việt Nam), hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bắt đầu ngày họp đầu tiên tại Cornwall, phía Tây Nam vùng England của nước Anh.

Đây là hội nghị thượng đỉnh diễn ra trực tiếp đầu tiên trong gần hai năm của nhóm này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Dự kiến, nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19 và sự hồi phục kinh tế lấy môi trường làm trọng tâm là những nội dung chính trong chương trình nghị sự của hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson nhận định hội nghị G7 lần này là "cơ hội lớn" để khởi động tiến trình khôi phục khỏi những tác động của đại dịch COVID-19.

Ông nêu rõ: "Chúng ta cần đảm bảo rằng khi chúng ta phục hồi, chúng ta sẽ tăng tốc và xây dựng lại tốt hơn. Chúng ta có cơ hội rất lớn để làm điều đó với tư cách là G7."

Nhà lãnh đạo Anh đồng thời nhấn mạnh hội nghị lần này là cơ hội để các nước thành viên G7 rút ra những bài học từ đại dịch COVID-19 và đảm bảo không lặp lại các sai lầm.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới với sự lây lan của nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng lây nhiễm cao hơn trong khi tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới lại không đồng đều.

[G7 xem xét tái phân bổ SDR trị giá 100 tỷ USD giúp nước nghèo]

Trước khi sự kiện này diễn ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhất trí mở rộng hoạt động bào chế vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.

Theo kế hoạch, sau khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc, hầu hết lãnh đạo các nước G7 sẽ tới Brussels (Bỉ) để tham gia cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra vào ngày 14/6.

Đáng chú ý, sau cuộc họp của NATO, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm cách tháo gỡ những bất đồng song phương.

G7 gồm bảy quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới là Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp năm nay, các nước Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc tham dự với tư cách khách mời.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham dự các phiên họp mở rộng của hội nghị thượng đỉnh G7 theo hình thức trực tuyến.

Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp trong nước, tháng trước, Thủ tướng Modi đã thông báo hủy chuyến thăm Anh, không thể tham dự hội nghị theo hình thức trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục