Thượng viện Italy bác đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Renzi

Thượng viện Italy đã bác bỏ hai kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Matteo Renzi do hai đảng đối lập lớn nhất là Phong trào 5 sao và đảng Forza Italia đệ trình.
Thượng viện Italy bác đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Renzi ảnh 1Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/4, Thượng viện Italy đã bác bỏ hai kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Matteo Renzi do hai đảng đối lập lớn nhất là Phong trào 5 sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo và đảng Forza Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đệ trình.

Quyết định trên được đưa ra sau khi có 183 phiếu chống và 96 phiếu thuận đối với đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm của Phong trào M5S và 180 phiếu chống, 90 phiếu thuận đối với đề nghị của đảng FI.

Đề nghị của M5S và FI xuất phát từ một loạt bê bối trong thời gian gần đây liên quan tới các quan chức trong chính phủ của Thủ tướng Renzi.

Cụ thể, hồi tháng Ba vừa qua, chính trường Italy đã bị rung chuyển bởi vụ bê bối rác thải khiến Bộ trưởng Công nghiệp Federica Guidi phải đệ đơn từ chức.

Các đảng phái đối lập cho rằng chính phủ của Thủ tướng Renzi phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về vụ việc này và đã yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo này. Ngoài ra, còn xuất hiện cáo buộc Chính phủ Italy có những xung đột về lợi ích trong nội bộ và dung túng cho các hoạt động vận động hàng lang liên quan các lĩnh vực công nghiệp và ngân hàng.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu nói trên, Thủ tướng Renzi cho rằng việc các đảng phái không nhất trí với các biện pháp của chính phủ là hoàn toàn bình thường, nhưng không thể phủ nhận chính phủ và Quốc hội nước này đã thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là cải cách hiến pháp, luật bầu cử và thuế.

Trong khi đó, chia sẻ trên trang mạng xã hội, ông Grillo cho rằng chính phủ phải hướng tới lợi ích của người dân chứ không phải hướng đến các hoạt động vận động hàng lang.

Hồi tháng Một vừa qua, Thủ tướng Renzi cũng đã vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập đề xuất tại Thượng viện cũng với lý do chính phủ của ông Renzi có sự xung đột lợi ích.

Hoạt động bỏ phiếu bất tín nhiệm được các phe đối lập tại Italy sử dụng như một biện pháp để chống lại các đảng cầm quyền. Từ đầu năm đến nay, Hạ viện và Thượng viện nước này đã nhận được tất cả 31 kiến nghị tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng và các thành viên chính phủ. Tuy nhiên, điều này lại gây cản trở cho hoạt động của Quốc hội Italy, làm tốn nhiều thời gian của các nghị sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục