Triều Tiên sẽ phá hủy thiết bị tuyên truyền của Hàn

Bình Nhưỡng sẽ nổ súng phá hủy hệ thống loa phóng thanh nếu Hàn Quốc lắp đặt các thiết bị này dọc khu vực giới tuyến liên Triều.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng ngày 24/5 tuyên bố sẽ nổ súng phá hủy hệ thống loa phóng thanh nếu Hàn Quốc lắp đặt các thiết bị này dọc khu vực giới tuyến liên Triều để phát thông điệp chống phá miền Bắc.

KCNA cho biết Tư lệnh các lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) tại khu vực giới tuyến đã cảnh báo nhà chức trách Hàn Quốc rằng, nếu miền Nam không dỡ bỏ loa phóng thanh và các khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền chống Triều Tiên dọc Giới tuyến Quân sự (MDL), KPA sẽ "khai hỏa phá hủy chúng."

Vị tư lệnh này cho rằng việc Hàn Quốc nối lại cuộc chiến tranh tâm lý chống Triều Tiên là "vi phạm Hiệp định quân sự liên Triều" và là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng nhằm vào Triều Tiên, sẽ đẩy quan hệ giữa hai miền vào một "giai đoạn tồi tệ."

Quan chức này nhấn mạnh trong trường hợp Seoul tiếp tục thách thức Bình Nhưỡng, KPA sẽ "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của những hành động khiêu khích này bằng một cuộc tấn công vũ bão hơn."

Trong một diễn biến liên quan, Triều Tiên tuyên bố có quyền tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và phát triển vũ khí hạt nhân một cách minh bạch. Tuyên bố trên được KCNA đăng tải chỉ vài giờ sau khi Seoul công bố các biện pháp đối phó với Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young cũng cho biết nước này sẽ diễn tập chống tàu ngầm trong một cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ tại khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên.

Tháng 6/2004, hai miền Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận bắt đầu từ ngày 15/8/2004 ngừng hoạt động tuyên truyền qua khẩu hiệu và hệ thống loa phát thanh.

Tại Washington, Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs ngày 24/5 tuyên bố "Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak về trừng phạt Triều Tiên."

Theo ông Gibbs, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị cho các tư lệnh quân đội Mỹ "hợp tác chặt chẽ" với Seoul để đảm bảo có thể giáng trả thích đáng trong trường hợp Bình Nhưỡng quyết định sử dụng sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn bên lề cuộc hội đàm với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại nói rằng Mỹ đang nỗ lực để ngăn chặn căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau vụ chìm tàu Cheonan.

Cũng ngày, Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Hirofumi Hirano cho biết nước này ủng hộ quyết định của Seoul đưa vấn đề tàu Cheonan  ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Hirano cũng cho biết Tokyo đã đề nghị Bắc Kinh chia sẻ quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ. Được biết, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama chỉ thị cho các bộ trưởng xem xét khả năng siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã một lần nữa kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc ngày 24/5 nhấn mạnh: "Vụ tàu Cheonan cần được giải quyết một cách công bằng và khách quan như mọi vấn đề quốc tế khác"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục