Trung Quốc muốn đưa doanh nghiệp nhà nước lên sàn chứng khoán

Chính quyền Trung Quốc đang sở hữu 112 tập đoàn và doanh nghiệp, trong đó có 227 (bao gồm cả các công ty con) đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Trung Quốc muốn đưa doanh nghiệp nhà nước lên sàn chứng khoán ảnh 1Một góc thành phố Thượng Hải. (Nguồn: wikipedia)

Tái cấu trúc doanh nghiệp là hoạt động giảm rủi ro hệ thống, thanh lý tập đoàn không có khả năng phát triển và tái cơ cấu các tập đoàn có tiềm năng, tiến đến thúc đẩy và phát triển tập trung vào một khu vực cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm sự bền vững tài chính của doanh nghiệp.

Tại Trung Quốc, theo hãng kiểm toán KPMG, quốc gia này trên thực tế đã bắt đầu tiến hành hoạt động tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (SOE) từ hơn 30 năm qua, với việc giảm một nửa số SOE từ mức trên 300.000 hồi năm 1994 xuống khoảng 155.000 hiện nay, trong đó phần đông là những SOE thuộc sở hữu của các chính quyền địa phương.

Hiện tại, chính quyền trung ương đang sở hữu 112 tập đoàn và doanh nghiệp, trong đó có 227 (bao gồm cả công ty con của các tập đoàn) đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến.

Hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp và cổ phần hóa thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giữ một vai trò quan trọng trong hàng loạt công cụ mà Chính phủ Trung Quốc sử dụng để cải thiện hiệu quả các SOE.

Tuy nhiên, không phải đợt tái cấu trúc nào cũng đem lại những kết quả tích cực, khi có một bộ phận không nhỏ các SOE sau khi tiến hành IPO đã không giúp cải thiện lợi nhuận, cũng như củng cố hoạt động của các doanh nghiệp này trên thị trường.

Edward Radcliffe, nhà đồng sáng lập ngân hàng đầu tư Vermilion Partners Ltd (đơn vị tư vấn chính sách cho các công ty quốc tế tại Trung Quốc), cho rằng: “Sau những đợt tái cơ cấu là sự hình thành các siêu doanh nghiệp (thông qua hình thức mua bán, sáp nhập và thoái vốn tập trung).

Điều này có lợi cho họ trong việc giành nhiều hơn thị phần và sức cạnh tranh quốc tế, song trong một số lĩnh vực lại là sự kéo tụt đối với nền kinh tế.

Thúc đẩy sáng tạo và năng động là một phần đặc biệt quan trọng trong chính sách tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc theo hướng tăng trưởng dựa vào tiêu thụ, một mắt xích trong kế hoạch phát triển 5 năm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các siêu công ty quốc doanh Trung Quốc lại thường không nổi tiếng trong mức độ sáng tạo và đổi mới.”

Định hình tái cấu trúc doanh nghiệp

Tháng 11/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ từng bước rút khỏi các lĩnh vực công nghiệp mà nhà nước sở hữu phần lớn cổ phần.

Bước đi này được đẩy nhanh vào tháng 4/2014 khi Quốc vụ Viện Trung Quốc công bố danh sách 80 dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có năng lượng sạch, than đá, khí đốt, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe mà chính phủ nước này dự định “mở cửa” cho dòng vốn tư nhân.

Tới tháng 7/2014, Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc thông báo tiến hành thí điểm cải cách sáu doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của chính quyền trung ương, trong đó có Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) và Tập đoàn Vật liệu Xây dựng quốc gia Trung Quốc.

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp càng được Trung Quốc thúc đẩy mạnh hơn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại và thị trường lao động tiếp tục bị thắt chặt.

Quá trình tái cấu trúc được thực hiện song hành cùng các mục tiêu kinh tế rộng hơn nhằm cải thiện hiệu quả doanh nghiệp và tiến tới tiếp cận các công nghệ tiên tiến.

Hoạt động hợp nhất và tái cơ cấu đang diễn ra tại nhiều khu vực kinh tế Trung Quốc. Những lĩnh vực quan trọng và mang tính chiến lược như năng lượng, đóng tàu, khai mỏ và viễn thông, đều nằm trong danh sách hợp nhất, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy kế hoạch phát triển dự án “Con đường tơ lụa” mới có vai trò kết nối Trung Quốc và châu Âu thông qua Trung Á.

Dự án này sẽ rất cần sức cạnh tranh tốt hơn của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Sau khi sáp nhập, các đơn vị sẽ được tái cơ cấu để trở thành những công ty đầu tư tài sản và thực hiện các nghiệp vụ thương mại.

Ban quản lý cấp cao của các công ty có nhiệm vụ tìm phương thức kinh doanh để tối đa hóa lợi nhuận; đồng thời chuẩn bị thủ tục để niêm yết công ty trên các sàn chứng khoán.

Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là đến năm 2025, những doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất đều được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Để tăng cường sức cạnh tranh, Trung Quốc đã nâng cao hiệu quả quản lý các tập đoàn, kinh doanh tập trung và phát huy lợi thế về quy mô.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách khuyến khích, thực hiện ưu đãi trong huy động vốn, cấp giấy phép xuất khẩu, cho phép đầu tư phát triển các sản phẩm mới và ưu đãi về thuế quan…

Chuyên gia Công ty luật CMS tại Thượng Hải, Ulrike Glueck nhận định: “Quá trình cải cách SOE Trung Quốc là một phần trong chương trình hoạch định chính sách của chính phủ nước này nhằm đưa Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới. Họ đã nhìn ra những điểm yếu của một số SOE như sự phát triển không bền vững và muốn xóa bỏ các rủi ro này. Chính phủ Trung Quốc cũng nhận thức được rằng sự tăng trưởng và phát triển thực sự chỉ có thể đạt được thông qua cho phép cạnh tranh nhiều hơn.”

Trung Quốc mới đây đã sáp nhập hai doanh nghiệp sản xuất xe lửa lớn nhất nước này là CSR Corp Ltd và China CNR Corp Ltd; hay thương vụ Tập đoàn Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) bán lại 30% cổ phần trong đơn vị bán lẻ xăng dầu Sinopec Marketing Co. Ltd. của họ cho một consortium gồm 25 nhà đầu tư, với giá 107 tỷ nhân dân tệ (17,2 tỷ USD).

Bắc Kinh cũng thông báo về một thương vụ sáp nhập “khủng” giữa Tập đoàn đầu tư điện lực Trung Quốc và Tập đoàn công nghệ điện hạt nhân quốc gia, hai doanh nghiệp năng lượng hạt nhân lớn thứ ba và thứ tư nước này.

Trong ngành công nghiệp đóng tàu, lĩnh vực vốn đang bị tác động mạnh mẽ do tình trạng dư cung, hoạt động tái cơ cấu cũng được Trung Quốc khẩn trương triển khai.

Hầu hết các công ty đóng tàu Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm tới phát triển cảng biển. Do đó, sự hợp nhất trong ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển cảng biển sẽ là bước thúc đẩy lợi nhuận cho các doanh nghiệp này.

Cơ hội nào cho nhà đầu tư nước ngoài?

Chuyên gia Bob Partrid thuộc Công ty dịch vụ tài chính Ernst & Young LLP cho rằng cơ hội sẽ mở ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, các doanh nghiệp có liên quan tới cơ sở hạ tầng, trong đó có xây dựng đường sá và tàu điện cao tốc.

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng nên lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp trong làn sóng tái cấu trúc lần này không phải là nhóm những công ty “sáng giá” nhất và trong chừng mực nào đó, chính họ lại đang chịu sức ép gay gắt trên thị trường.

Về lý thuyết, cách tốt nhất để các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tiếp cận các SOE Trung Quốc là qua hình thức IPO, nhất là trong các doanh nghiệp không niêm yết trên sàn chứng khoán đại lục.

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tại các tỉnh miền Tây kém phát triển và trông đợi đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào khu vực này. Vấn đề là các nhà đầu tư nước ngoài có thực sự muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh tại các tỉnh thành nhỏ này hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục