Trước kỳ họp Quốc hội: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề "nóng"

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề nóng về kinh tế xã hội như hạ lãi suất, tăng mức cho vay, mở rộng đối tượng vay đối với hộ nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát... đã được đề cập.
Trước kỳ họp Quốc hội: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề "nóng" ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tiếp xúc cử tri tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, trong các ngày 28​-29/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, thành phố Nam Định. Tại các điểm tiếp xúc, cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống nông nghiệp, nông thôn...

Cử tri xã Trực Phú huyện Trực Ninh đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất nông nghiệp, vì thực tế mức thu nhập của người dân làm nông nghiệp quá thấp.

Những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện việc hỗ trợ cho nông dân trồng lúa với mức 500.000 đồng/ha/vụ song 50% số kinh phí này được để lại trong ngân sách địa phương, phần còn lại người dân mới được nhận. Bình quân mỗi hộ có 3-4 sào ruộng, tính ra số tiền hỗ trợ chỉ được khoảng 30.000-40.000 đồng/hộ, chưa giúp người trồng lúa cải thiện cuộc sống.

Cử tri xã Liên Minh huyện Vụ Bản kiến nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng do thu nhập thấp; tiếp tục đầu tư kinh phí cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cấp cơ sở hạ tầng giảm bớt đóng góp của nhân dân.

Cử tri mong muốn Nhà nước, địa phương hỗ trợ bao tiêu sản phẩm trong nông nghiệp cho nông dân bởi nếu sản xuất ra mà không tiêu thụ được hoặc bị tư thương ép giá, hiệu quả kinh tế thấp thì người dân sẽ không mặn mà đầu tư mở rộng sản xuất.

Cử tri xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Hưng nêu ý kiến Nhà nước xem xét hỗ trợ xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy mô công nghiệp, hiện đại nhằm giảm bớt rủi ro.

Vì phương thức nuôi thả như hiện nay chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thời tiết và kinh nghiệm của cá nhân nên rất khó để khai thác hết tiềm năng lợi thế của vùng ven biển trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và nâng cao mức sống cho nhân dân; quan tâm đầu tư các công trình nước sạch, nhất là ở xã ven biển; có phương án xử lý rác thải nông thôn gây ô nhiễm môi trường.

Theo các cử tri, Nhà nước xem xét hạ lãi suất, tăng mức cho vay, mở rộng đối tượng vay đối với hộ nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát...

Cử tri xã Mỹ Hưng (huyện Mỹ Lộc) cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay. Thực tế tại địa phương cho thấy, việc giảm chấm điểm mà tăng nhận xét ở bậc tiểu học khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không đánh giá chính xác được học lực nên cần có thêm giải pháp kết hợp gia đình cùng với nhà trường trong giáo dục con em mình.

Các cơ quan chức năng cũng cần tính toán cụ thể, quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giáo dục, khắc phục tình trạng có quá nhiều trường đại học công lập, dân lập tuyển sinh đầu vào thấp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực; hạn chế việc đào tạo tràn lan gây lãng phí chi phí đào tạo của nhà nước và gia đình nhưng ra trường không xin được việc làm.

Nhà nước, các cơ quan chức năng cần có chế tài đủ sức răn đe để xử lý vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực chấp hành Luật An toàn giao thông để giảm bớt những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua...

Ghi nhận, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đối với các vấn đề của đất nước, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao giá trị sản xuất; đầu tư các công trình phúc lợi xã hội phục vụ người dân. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên phải làm từng bước theo thứ tự ưu tiên cho các vùng khó khăn, sau đó sẽ đến những nơi khác.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nam Định cần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao. Địa phương từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp... có như thế mới có thể thực hiện thành công việc đổi mới, liên kết trong sản xuất.

Về xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng lưu ý, chính quyền các cấp tỉnh Nam Định phải tính toán cách làm phù hợp với thực tiễn địa phương, không nóng vội chạy theo thành tích, phải hướng đến tính bền vững. Làm cho dân hiểu và tích cực tham gia, để dân thực sự trở thành chủ thể của quá trình này nhưng không được huy động quá sức dân mà phải trên tinh thần tự nguyện, tự giác../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục