Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt

Bị chứng chậm phát triển hệ thần kinh vận động bẩm sinh, không đứng được, không thể ngồi thẳng lưng, tay cũng không thể vịn vào vai bố, nhưng Phương luôn mơ ước vào giảng đường đại học.
Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt ảnh 1Suốt 12 năm học, Phương luôn được bố mẹ đưa đến trường và cõng em vào lớp. Kết thúc buổi làm thủ tục sáng nay, mẹ lại đỡ Phương lên lưng bố.
(Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
 

Bị chứng chậm phát triển hệ thần kinh vận động bẩm sinh, không đứng được, không thể ngồi thẳng lưng, tay cũng không thể vịn vào vai bố, nhưng suốt 12 năm học phổ thông, thí sinh Nguyễn Thị Mai Phương luôn là tấm gương cho bạn bè học tập cả về nghị lực và sức học.

Dự thi vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cô học trò nhỏ này có một đam mê cháy bỏng với ngành công nghệ đa phương tiện.

Thiệt thòi, nhưng không mặc cảm

Năm 1995, Phương ra đời trong niềm mong đợi lớn lao của bác Nguyễn Kim Chung, mẹ của Phương. Bác Chung cho biết, Phương là con gái đầu lòng. Khi sinh ra, em cũng như bao trẻ sơ sinh khác, không có biểu hiện gì bất thường.

“Khi cháu được 5 tháng mà không biết lẫy, cả nhà nghĩ là cháu ‘trốn lẫy’, nhưng khi Phương được 8 tháng mà vẫn không thể lẫy, bò, khi bế lên cháu cũng không đứng được chân như những trẻ khác, chúng tôi mới phát hiện cháu bị bệnh,” bác Chung chia sẻ.

Rồi giọng như thắt lại, bác nói: “Bác sỹ nói cháu bị chậm phát triển thần kinh vận động bẩm sinh. Phương là con đầu lòng nên lúc đó, tôi quá ‘sốc’và đau đớn. Dù bác sỹ nói bệnh của con không chữa được nhưng chúng tôi vẫn cố hy vọng, đưa con đi khắp các bệnh viện, hết đông y về tây y, ai bảo đâu đi đấy...”

Để Phương đến trường, trong suốt 12 năm học, bố mẹ hàng ngày đưa đón em đến trường, cõng em lên lớp rồi lại đón về. Bác Chung cho biết, do bị ảnh hưởng toàn bộ hệ thần kinh vận động nên Phương không chỉ không đi được mà các khớp xương khác đều rất mềm. Khi cõng bố mẹ phải đỡ vì tay Phương không thể bám vào cổ bố, em ngồi cũng khó khăn.

“Chính vì thế nên suốt bao năm qua, chỉ có bố mẹ mới đảm nhiệm được việc cõng Phương. Khi chúng tôi đến trường thi, rất nhiều sinh viên tình nguyện muốn giúp đỡ việc cõng em nhưng tôi không yên tâm,” bác Chung phân trần.

Ở lớp, Phương cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, thầy cô.

“Niềm an ủi lớn nhất với tôi là cháu rất ngoan, ngày bé không hề quấy khóc, lớn lên biết thương cha mẹ. Cháu cũng luôn vui vẻ hòa đồng cùng mọi người, không mặc cảm, tự ty về thiệt thòi của bản thân nên bố mẹ cũng ấm lòng,” bác Chung xúc động nói.

Dù sức khỏe yếu và không hề đi học thêm nhưng Phương vẫn luôn đạt thành tích học tập tốt. Trong 9 năm học tiểu học và trung học cơ sở, Phương luôn là học sinh giỏi. Lên cấp 3, kiến thức nhiều hơn, đôi bàn tay Phương lại yếu ớt, không viết nhanh được, nhưng em vẫn đạt thành tích rất đáng nể với điểm tổng kết luôn ở mức 7,8 điểm, xấp xỉ loại giỏi.

Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt ảnh 2Các cán bộ coi thi xuống tận nơi để giúp Phương làm thủ tục. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Mơ ước theo ngành đa phương tiện

Sợ Phương tủi thân và để con gái có thêm niềm vui, bố mẹ Phương đã mua máy tính cho em từ khi còn nhỏ. Chiếc máy tính ấy cũng là nơi khơi nguồn cho em niềm đam mê với công nghệ đa phương tiện.

Phương không chỉ học giỏi mà còn khéo léo. Ngay từ khi nhỏ, em đã vẽ rất đẹp và thường xuyên làm các đồ handmade để tặng bạn bè như khung ảnh, búp bê...

Theo bác Chung, ngành công nghệ đa phương tiện kết hợp cả công nghệ thông tin và nghệ thuật, vừa phù hợp với đặc thù sức khỏe, vừa phát huy được năng khiếu nên Phương rất quyết tâm theo học.

Do ngành này chưa được đào tạo ở hệ cao đẳng nên Phương dự định, nếu không đỗ vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, em vẫn sẽ không chuyển sang ngành khác mà sẵn sàng học công nghệ đa phương tiện ở bậc trung cấp.

Phương cho biết: “Được vào học ngành Công nghệ Đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là ước mơ từ rất lâu của em. Em hy vọng mình sẽ thực hiện được ước mơ đó.”

Cùng với việc đến trường làm thủ tục dự thi, bố mẹ Phương cũng đã làm hồ sơ gửi lên Hội đồng thi của Học viện để xin được xét tuyển đặc cách. Nếu thi, em chỉ được ưu tiên một điểm.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện, trường hợp của Phương, nếu có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ bệnh tật thì nhà trường sẽ xét tuyển thẳng cho em vào học.

Ở phường La Khê, Hà Đông, nên theo học tại Học viện cũng rất thuận lợi với Phương vì nhà em chỉ cách trường khoảng 3km. “Con vào đại học, bố mẹ sẽ vẫn tiếp tục là đôi chân để cùng con bước tới giảng đường,” bác Chung xúc động nói./.

Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt ảnh 3Phương chăm chú kiểm tra lại các thông tin của mình trên phiếu báo dự thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
 
Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt ảnh 4Hai mẹ con cùng nghe phổ biến quy chế thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt ảnh 5Và ký giấy tờ để hoàn tất thủ tục dự thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt ảnh 6Kết thúc buổi thi, mẹ lại đỡ em lên lưng bố. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Ước mơ kỹ sư công nghệ đa phương tiện của thí sinh đặc biệt ảnh 7Suốt 12 năm qua, bố mẹ đã trở thành đôi chân để em đến trường. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục