Kỳ thi “hai trong một”: Nhiều trường đại học chọn phương án 2

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 theo phương án 2 là lựa chọn của đa số các trường đại học tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng năm 2014.
Kỳ thi “hai trong một”: Nhiều trường đại học chọn phương án 2 ảnh 1Thí sinh làm thủ tục dự thi đại học. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 theo phương án 2 là lựa chọn của đa số các trường đại học tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng năm 2014. 

Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 15/8, theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Thống nhất kỳ thi “hai trong một” 

Hầu hết lãnh đạo các trường đại học đều thống nhất việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”, kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa để xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Theo các hiệu trưởng, việc tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học cao đẳng trong hai tháng Sáu và Bảy như hàng năm là rất cồng kềnh, tốn kém cho xã hội, áp lực cho thí sinh. 

“Có thí sinh tham gia cả ba đợt thi tuyển sinh, vừa đợt 1, đợt 2 và đợt thi cao đẳng. Như vậy, trong hai tháng, các em phải thi tới bốn lần, quá mệt mỏi,” ông Nguyễn Đình Tư, Phó Hiệu trưởng Đại học Thành Tây nói.

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Đại học Lương Thế Vinh cho rằng, chủ trương tổ chức kỳ thi “hai trong một” của Bộ là rất hợp lý.

Còn với Đại học Luật Hà Nội, lãnh đạo nhà trường cho biết, hằng năm, việc tổ chức kỳ thi với trường rất vất vả. “Chúng tôi không tự chấm được bài thi mà phải nhờ các trường bạn. Trường bạn chấm xong bài của họ mới chấm được bài cho chúng tôi nên năm nào Đại học Luật cũng là một trong những trường công bố điểm thi cuối cùng. Chúng tôi ủng hộ kỳ thi ‘hai trong một", vị đại diện Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

Ủng hộ chủ trương một kỳ thi quốc gia cũng là ý kiến của nhiều lãnh đạo các trường khác như Đại học Thăng Long, Đại học Thái Nguyên, Đại học Phương Đông, Đại hoc Y Hà Nội…

Tuy nhiên, cũng có một số hiệu trưởng cho rằng Bộ nên giao kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các sở giáo dục và đào tạo tự tổ chức và duy trì kỳ thi tuyển sinh đại học. Tiêu biểu cho ý kiến này có thể kể đến phó giáo sư Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng, đại tá Nguyễn Quý Khoát, Hiệu phó Học viện An ninh…

Kỳ thi “hai trong một”: Nhiều trường đại học chọn phương án 2 ảnh 2Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 có thể sẽ là kỳ thi "ba chung" cuối cùng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Chọn phương án 2

Chọn phương án tổ chức thi như thế nào cũng là vấn đề được hiệu trưởng các trường đại học đặc biệt quan tâm. 

Trong khi lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gần đây đa số nghiêng về phương án một thì nhiều trường đại học lại nghiêng về phương án hai.

Theo phó giáo sư Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, trong ba phương án tổ chức thi mà Bộ đưa ra thì phương án 2 là phù hợp nhất với điều kiện hiện nay.

Ở phương án này, thí sinh sẽ dự thi các môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và chọn thi thêm một trong hai môn Khoa học Tự nhiên (gồm lý, hóa sinh) và môn Khoa học xã hội (gồm các môn văn, sử, địa).

Phân tích  kỹ hơn lợi thế của phương án hai, ông Vũ Phán, Hiệu trưởng Đại học Phương Đông cho rằng trong ba phương án Bộ đưa ra, phương án một thi tới 8 môn là quá nặng nề, phương án ba tổng hợp đến 11 môn lại quá phức tạp, chỉ phương án hai là hợp lý hơn cả.

Đây cũng là ý kiến của Giám đốc Đại học Thái Nguyên, giáo sư Nguyễn Kim Vui. “Phương án 2 là phù hợp để xét tuyển thí sinh vào các ngành học,” ông Vui nói. Cũng theo Giám đốc Đại học Thái Nguyên, với vai trò “hai trong một” thì điều quan trọng là đề thi phải có sự phân hóa rất rõ nét với phần dễ để xét tốt nghiệp và phần khó để tuyển sinh đại học. Trong phần khó phải phân loại được thí sinh trung bình khá, thí sinh khá, thí sinh giỏi để trường lựa chọn tùy mức điểm.

Tại các điểm cầu như Đà Nẵng, Nghệ An, báo cáo tổng hợp các ý kiến cho thấy, phương án 2 cũng được nhiều trường lựa chọn hơn cả.

Về thời điểm triển khai kỳ thi, nhiều ý kiến cho rằng có thể áp dụng ngay năm 2015 nhưng cũng có đại biểu đề nghị Bộ nên có lộ trình để các trường phổ thông, nhất là các em học sinh có sự chuẩn bị kịp thời.

Trước nhiều ký kiến trái chiều, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đạo phải có nghiên cứu kỹ và đặc biệt là phải sớm công bố cho thí sinh biết trước khi bước vào năm học mới. “Chỉ còn vài tuần nữa là khai giảng, Bộ phải tính toán cho kỹ. Nhân dân chỉ mong phương án tổ chức thi phải rõ ràng, công bằng, không nhiêu khê và phải khuyến khích được con em họ đi học,” Phó Thủ tướng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục