Văn kiện Đại hội cần chú trọng về đào tạo nhân lực

Theo một số đại biểu Quốc hội, dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XI cần đề cập cụ thể việc đào tạo nguồn nhân lực.
Chiều 28/10, Quốc hội làm việc tại tổ góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Cơ bản nhất trí với các nội dung trong dự thảo, các đại biểu cho rằng dự thảo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện những mặt được và chưa được trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như kết quả đạt được trong năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước năm năm tới (2011-2015) cần đề cập cụ thể hơn đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối tượng thanh niên và người dân tộc thiểu số, quan tâm đến bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Đóng góp cụ thể vào Báo cáo chính trị với mong muốn chăm lo phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đại biểu Đỗ Minh Hảo, tỉnh Đắk Lắk và Nguyễn Thị Khá, tỉnh Trà Vinh cho rằng cần củng cố, xây dựng môi trường văn hóa phong phú và đa dạng, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai.

Môi trường văn hóa đang rất phức tạp, có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, thái độ ứng xử và hành vi của con người, do vậy cần tiếp nhận có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến. Dự thảo phải đề cập về vấn đề này sao cho có sức nặng hơn, đại biểu Nguyễn Thị Khá nói.

Góp ý vào nội dung kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, đại biểu Đỗ Minh Hảo cho rằng đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân theo Quy định số 15-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), những người là chủ doanh nghiệp tư nhân nhưng đủ tiêu chuẩn cần được kết nạp vào Đảng.

Đại biểu này cũng nhấn mạnh đến việc có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng cấp (như dự thảo), song cho rằng cần bổ sung cả vấn đề chạy tội cũng như đổi cụm từ “chạy huân chương” bằng cụm từ “chạy khen thưởng” vì như vậy mới bao hàm hết các ý.

Tuy nhiên, đại biểu H’Luộc Ntơr, tỉnh Đắk Lắk lại nhìn nhận đa số cán bộ đảng viên là tốt, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tình trạng chạy chức, chạy quyền là có, nhưng không nhiều, cần xem xét lại có nên đưa nội dung này vào không.

Theo đại biểu, chỉ cần quy định "không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa; kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút" là đủ.

Đại biểu H’Luộc Ntơr cũng kiến nghị có chính sách ưu tiên hỗ trợ về giá và vốn kịp thời đối với những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, có như vậy mới hướng tới phát triển được nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, có hiệu quả bền vững. Việc hỗ trợ này cũng cần được thực hiện đồng đều giữa các vùng miền.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu H’Luộc Ntơr và Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh đến việc chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên thôn bản, tìm đầu ra cho họ bằng ngành nghề được đào tạo để giảm sức ép về ruộng đất sản xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chiến lược đào tạo cán bộ dân tộc để đưa về làm việc tại địa phương, bố trí sử dụng phù hợp, tránh lãng phí. Đại biểu H’Luộc Ntơr cho rằng vấn đề đào tạo nhân lực là người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức.

Chính phủ có ấn định cơ cấu nhân lực là người dân tộc, cán bộ dân tộc trong một số lĩnh vực nhưng chưa nhiều, các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp có rất ít người dân tộc thiểu số. Ngay cả học sinh là con em đồng bào dân tộc được cử tuyển, học xong cũng không về phục vụ địa phương, ngân sách bỏ tiền đầu tư cho họ nhưng học xong họ làm việc ở đâu cũng không biết.

Một số đại biểu đề nghị việc xây dựng chính sách cho cán bộ tăng cường từ miền xuôi lên miền núi cần được quan tâm hơn, với tinh thần phục vụ lâu dài và cần có sự đối xử công bằng giữa cán bộ miền xuôi lên với cán bộ là người tại địa phương.

Các đại biểu đề nghị chiến lược phát triển kinh tế-xã hội phải quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, phải ghi rõ các dự án trước khi được cấp phép đầu tư phải được so sánh giữa hiệu quả đầu tư và hậu quả gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, những dự án khai thác khoáng sản và ảnh hưởng đến môi trường rừng, cần phải được cân đối xem xét kỹ lưỡng, quy trách nhiệm và kiểm tra sát sao.

Vấn đề nhận khoán rừng, lao động việc làm và tiền lương, phát triển kinh tế nông hộ... cũng được các đại biểu quan tâm, đề nghị định hướng cụ thể, làm rõ các mục tiêu, giải pháp trong các dự thảo./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục